Năm 2025, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt

0:00 / 0:00
0:00
Dự báo về lạm phát năm 2025, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, năm nay, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) chỉ xoay quanh mức 3%. “Thêm một năm nữa, Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát”, ông Độ nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính)

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính)

Căn cứ vào đâu ông cho rằng, năm 2025, Việt Nam sẽ kiểm soát tốt lạm phát?

Năm 2024, CPI tăng 3,63% và là năm thứ 10 liên tiếp, Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% - mức tối đa Quốc hội cho phép.

Nhìn lại 10 năm qua, giai đoạn 2015-2024, tính trung bình, CPI chỉ tăng ở mức 2,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10,2%/năm của giai đoạn 2005-2014. Bởi thế, năm 2025, nếu không có diễn biến bất thường, thì CPI chỉ xoay quanh mức 3%, cộng trừ 0,5%.

Kiểm soát được lạm phát giúp thu nhập của người dân không bị giảm trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 và là yếu tố then chốt, quyết định để Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất thấp, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2022 (tăng 8,54%) và năm 2024 (tăng 7,09%), tạo nền tảng để năm nay tăng trưởng cao hơn.

Theo ông, bài học kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát giai đoạn 2014-2024 là gì?

Thứ nhất, tốc độ tăng cung tiền trong giai đoạn 2014-2024 chỉ ở mức 13,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên 27% của giai đoạn 2004-2013.

Thứ hai, lãi suất tiền gửi dân cư trong giai đoạn 2014-2024 trung bình ở mức 3,7%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, nhưng người gửi tiền vẫn được lợi do lạm phát chỉ có 2,8%/năm. Ngược lại, 10 năm trước đó, lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng thương mại cao hơn rất nhiều, nhưng người gửi tiền hầu như không được hưởng lợi, vì lạm phát cao ngang ngửa lãi suất mà ngân hàng trả cho người gửi tiền.

Thứ ba, là tỷ giá. Có thể nói, giai đoạn 2014-2024, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tỷ giá rất hiệu quả, chỉ tăng bình quân 1,6%, không chỉ thấp hơn rất nhiều so với mức độ mất giá 2,9% của VND so với USD 10 năm trước, mà mức độ mất giá của VND còn thấp hơn rất nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới.

Kiểm soát lạm phát ngoài yếu tố tiền tệ (tỷ giá, lãi suất, mức độ cung tiền), thì còn nhiều yếu tố khác nữa, như nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa tiêu dùng bị thiếu hụt và cả tâm lý người tiêu dùng, thưa ông?

Bên cạnh yếu tố tiền tệ, thì hàng hóa và tâm lý người tiêu dùng cũng đóng vai trò đặc biệt đối với lạm phát.

Với các cơ chế, chính sách cởi mở, khuyến khích đầu tư, nên hàng hóa tiêu dùng thiết yếu không còn cảnh khan hiếm. Hơn nữa, với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam và các thành viên đều cam kết dỡ bỏ hàng rào thuế quan, thì đối với những mặt hàng mà Việt Nam thiếu, ngay lập tức sẽ có nhà sản xuất nước ngoài cung cấp.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát rất tốt, đó là nhóm hàng lương thực, thực phẩm (hiện chiếm tỷ trọng 27,68% trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI). Là một nước có nền nông nghiệp phát triển, Việt Nam không chỉ chủ động được lương thực, thực phẩm, mà còn thuộc top đầu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, nên trong những thời điểm thế giới bị thiếu hụt lương thực, thực phẩm, Việt Nam vẫn bảo đảm đủ nguồn cung cho người tiêu dùng, còn thừa để xuất khẩu, góp phần quan trọng trong giữ vững lạm phát dưới ngưỡng Quốc hội cho phép.

Nhưng chúng ta không chủ động được nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu, mà phụ thuộc vào thị trường thế giới?

Sự biến động của giá nguyên, nhiên, vật liệu phụ thuộc vào biến động tăng - giảm của kinh tế thế giới, nhất là 2 đầu tàu kinh tế là Mỹ và Trung Quốc. Giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới tác động khá lớn đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp, nhưng sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu là xuất khẩu, bởi thế nguyên, nhiên, vật liệu tăng thì giá xuất khẩu cũng tăng.

Đối với mặt hàng xăng dầu, ngoài bị tác động bởi diễn biến của kinh tế thế giới, còn phụ thuộc vào tình hình chính trị thế giới, sự đồng thuận của OPEC+ trong việc ứng phó với giá xăng dầu. Nhưng mấy năm gần đây, giá mặt hàng này giao dịch ở mặt bằng khá thấp sau khi lập đỉnh mấy năm trước. Theo dự báo của nhiều định chế tài chính thế giới, thị trường xăng dầu năm 2025 khó có đột biến.

Thưa ông, ngoài những yếu tố trên, còn yếu tố nào để kìm lạm phát năm 2025 chỉ xoay quanh mức 3%?

Bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỷ giá, lạm phát trong năm 2025 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, trong năm 2025, kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào có xu hướng giảm nhẹ.

Chúng tôi đã tính toán và đưa ra 3 kịch bản về lạm phát cho năm nay. Trong kịch bản cơ sở, tỷ giá VND/USD ổn định và lãi suất tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng và cả năm dừng lại ở con số khoảng 3%. Đối với kịch bản cao, áp lực tỷ giá lớn do USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh lãi suất thì CPI có thể tăng 0,28%/tháng và cả năm tăng 3,3%. Trong kịch bản thấp, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng yếu, giá dầu giảm đáng kể, đồng thời giá USD và lãi suất ổn định hoặc giảm nhẹ, CPI có thể chỉ tăng 0,18%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 2,7%.

Tôi cũng nói thêm rằng, các dự báo trên chưa tính đến trường hợp Chính phủ tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình, cũng như chưa tính đến khả năng EVN tăng giá điện 2 lần như đã thực hiện trong năm 2024. Nhưng kể cả việc điều chỉnh giá dịch vụ công, tăng giá bán lẻ điện đi chăng nữa, thì ở kịch bản cao nhất, tính toán cho thấy, CPI vẫn dưới 4%, tức dưới ngưỡng Quốc hội cho phép.

Tin bài liên quan