Tăng trưởng GDP 2024 là 6 – 6,5% là phù hợp
Tại Diễn đàn Đầu tư 2024 tổ chức chiều ngày 9/11, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbrigh đã chỉ ra 2 động lực chính tác động đến tăng trưởng kinh tế trong 2 tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Động lực thứ nhất là xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. Xuất khẩu tháng 10 năm nay tăng hơn 5,9% với tháng 10 năm ngoái. Các nhà xuất khẩu cho biết, tồn kho giảm xuống, các đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Các hãng tàu cũng lạc quan trở lại cho thấy tín hiệu xuất khẩu tốt lên và thông thường tháng 11, tháng 12 sẽ rất tích cực.
Động lực tích cực thứ hai là giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm nay đến sang năm sau sẽ tích cực hơn. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công (khoảng 5 tháng) nên con số 32 tỷ USD sẽ tác động đến kinh tế vào cuối năm nay và đầu năm sau.Năm 2024, quy mô đầu tư công sẽ giảm xuống còn 29 tỷ USD do không còn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhưng vẫn là một con số lớn.
Ngày 9/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với chỉ tiêu GDP là từ 6,0 - 6,5%, (CPI) bình quân 4 - 4,5%.
Ông Thành đánh giá, mục tiêu GDP tăng trưởng 6 – 6,5% cho năm 2024 là rất nhiều bất trắc. Tuy nhiên, GDP có thể tăng trưởng tốt theo hướng đạt 6,7% nếu các chỉ số vĩ mô tích cực và chính sách tiền tệ không đảo chiều. Ngược lại, nếu vấn đề của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết được trong năm 2024, nếu kinh tế toàn cầu xấu đi và chính sách tiền tệ nới lỏng thì phải xem xét lại.
Dự báo về chính sách tiền tệ trong năm 2024, ông Thành cho rằng, định hướng chính sách của nhà điều hành luôn muốn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng bởi áp lực trong giai đoạn 2024 - 2025 là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ. Vậy nên các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng.
Năm nay, tín dụng có thể tăng 11% so với mục tiêu 14%, mục tiêu của năm sau là tăng 14 - 15% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên. Dù việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng phải duy trì, nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực hai yếu tố: tỷ giá và lạm phát. Trong điều kiện bình thường, NHNN sẽ cố gắng để không tăng lãi suất điều hành, nhưng nếu xuất hiện sức ép thì buộc phải thay đổi để thích ứng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc VPBankS cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 kỳ vọng 6% là khá phù hợp với dự báo của các tổ chức quốc tế. Năm nay, sản xuất đã phục hồi, xuất khẩu cũng phục hồi và năm sau vẫn tiếp tục đẩy mạnh động lực tăng trưởng từ đầu tư công, đặc biệt là các dự án cao tốc, vành đai như sân bay Long Thành, Vành đai 3, 4 Hà Nội - TP. HCM.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HD Bank nhận xét, năm 2023 là một năm khó khăn để làm kinh doanh. Năm 2024 cũng là một năm khó, nhưng những thứ quá khó khăn đã ở lại sau lưng nên mục tiêu GDP đạt 6 – 6,5% trong giữa năm sau là có khả năng.
Hành động cho năm 2024
Trước nhận định về bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2024, ông Nguyễn Duy Linh cho rằng, nhà đầu tư cần chuẩn bị hành trình đầu tư năm 2024 rất kĩ như một doanh nhân.
“Nếu “trading” như một “business man” thì thị trường chứng khoán sẽ trở lại như những gì nhà đầu tư mong muốn và nỗ lực”, ông Linh bày tỏ.
Do đó, ông Linh khuyên rằng nhà đầu tư phải chuẩn bị tư duy rất rõ là thị trường chứng khoán luôn tồn tại cơ hội. Năm 2023 từng được các chuyên gia đưa ra dự báo thị trường rất khó nhưng lại có giai đoạn rất tốt, ngay cả những năm Covid-19 thị trường chứng khoán cũng có cơ hội, nhưng điều quan trọng nhất tận dụng được cơ hội đó.
Do đó, nhà đầu tư phải liên tục tích luỹ về mặt kiến thức vì thị trường chứng khoán không dễ kiếm tiền nếu nhà đầu tư xem thị trường là nơi để vào gặt hái thì rất khó.
Để trở thành một nhà đầu tư thành công bền vững, ông Linh cho rằng cần chọn được thời điểm mua cổ phiếu, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố cơ bản như yếu tố chu kỳ, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất… Tiếp theo là mua cổ phiếu nào, phân bổ tài sản ra sao và cân đối tỷ trọng. Cuối cùng chọn là thời điểm bán (bán chốt lời và bán cắt lỗ).
Ông Linh lấy dẫn chứng, vào thời điểm VN-Index lên 1.200 điểm, nhà đầu tư trên thị trường từng rất lạc quan và bỏ qua yếu tố quản trị rủi ro. Nhưng đây là thời kỳ nhiều biến động, nên nhà đầu tư cần đề cao vai trò quản trị rủi ro. Đặc biệt, nhà đầu tư phải luôn luôn “làm bài tập về nhà”, để trong lúc bi quan nhất cũng cần làm việc để tận dụng tất cả trạng thái của thị trường, đón chờ những cơ hội của năm 2024.