Đồng yên đã mất khoảng 20% so với đồng đô la kể từ cuối năm 2021, kém hơn các loại tiền tệ chính khác. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giữ lãi suất ở mức cực thấp trong khi hầu hết các ngân hàng lớn khác lại tăng lãi suất một cách mạnh mẽ. Lợi suất cao hơn bên ngoài Nhật Bản đã khiến đồng tiền này ngày càng giảm giá.
Mặc dù lạm phát đã tăng lên ở Nhật Bản - giống như hầu hết mọi nơi khác - nhưng nó vẫn ở mức thấp so với các nền kinh tế phát triển khác. Tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản - không bao gồm thực phẩm tươi sống - là 2,5% vào tháng 11/2023 so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 4,2% vào đầu năm 2023. Mặc dù con số này đã cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của BOJ, nhưng ngân hàng trung ương vẫn chưa sẵn sàng để tăng lãi suất quá nhanh vì sợ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
BOJ cuối cùng có thể vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt nếu họ đánh giá rằng lạm phát đã di chuyển bền vững trên mức mục tiêu. BOJ đã thực hiện một số điều chỉnh đối với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) nhằm tìm cách giữ lợi suất trái phiếu dài hạn ở mức thấp. Đồng yên đã tăng khoảng 7% so với đồng đô la kể từ giữa tháng 11/2023, một phần do các nhà giao dịch kỳ vọng BOJ sẽ từ bỏ chính sách lãi suất âm vào năm 2024.
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Kho bạc Mỹ và trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm |
Tuy nhiên, một trong những hỗ trợ lớn nhất cho đồng yên vào năm 2024 có thể sẽ đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chu kỳ tăng lãi suất của Fed có thể đã kết thúc và ngân hàng trung ương này đã chỉ ra rằng việc cắt giảm lãi suất có thể sắp xảy ra. Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở Nhật Bản và Mỹ đã thu hẹp gần 1 điểm phần trăm trong hai tháng qua, nguyên nhân là do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu Nhật Bản trên thực tế cũng đã giảm trong giai đoạn này.
Nhật Bản vẫn đứng yên khi mọi ngân hàng trung ương lớn khác đều tăng lãi suất với kỳ vọng rằng nước này có thể chịu được áp lực tiêu cực lên đồng yên, nhưng “canh bạc” đó bây giờ dường như đã được đền đáp.