Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Năm 2024, cơ hội từ ngành ngân hàng, thép và điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán năm 2024 được cho là sẽ duy trì tiếp mạch của năm 2023 ở các yếu tố chính, bên cạnh đó, cũng sẽ có những diễn biến và cơ hội mới ở những nhóm ngành cụ thể.

Ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư – Khách hàng cao cấp Chứng khoán JB Việt Nam có những chia sẻ về cơ hội trong năm 2024.

Chào ông, năm qua dù còn nhiều khó khăn, nhưng VN-Index đã tăng 123 điểm. Nhìn sang năm 2024, ông có dự báo gì?

Bước sang năm 2024, tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ rất khả quan trong năm 2024. Cụ thể, dòng vốn mới được kỳ vọng sẽ được đổ vào thị trường mạnh mẽ hơn, do các yếu tố như: mức nền lãi suất thấp trong nước được dự báo sẽ duy trì đến cuối năm 2024, khiến thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác, từ đó thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư nội; trong bối cảnh CPI Mỹ đang dần được kiểm soát, FED dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 (khả năng bắt đầu từ cuối quý 1/2024) cũng phần nào tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam khi sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại sôi động hơn. Từ đó, thanh khoản trong năm 2024 cũng sẽ tích cực hơn nữa.

Ngoài ra, với kỳ vọng rằng hệ thống KRX có thể golive trong năm 2024, mức thanh khoản dự kiến còn bùng nổ hơn nữa khi các vấn đề về nghẽn lệnh được giải quyết triệt để, tốc độ xử lý lệnh được cải thiện và nghiên cứu để từng bước cho phép giao dịch T+1. Nếu sau này nhà đầu tư có thể bán chứng khoán chờ về như tại các thị trường đã áp dụng cho phép bán chứng khoán chờ về như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, giá trị giao dịch bình quân một phiên của các thị trường này trong 5 năm qua đạt xấp xỉ 0,3% tổng vốn hoá thị trường. Con số này thậm chí còn cao hơn với các nước thuộc khu vực châu Á và thị trường mới nổi, đạt 0,42% (với đặc điểm giá trị giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn) trong khi giá trị giao dịch bình quân trên vốn hoá của Việt Nam là 0,23%.

Ông Lê Ngọc Nam.

Ông Lê Ngọc Nam.

Vậy còn động lực chính cho thị trường năm tới thì sao?

Tôi kỳ vọng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ có nhiều điểm sáng hơn đến từ sự hỗ trợ của kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, chúng tôi cho rằng lãi suất thấp có thể sẽ được duy trì sang năm 2024, nhất là trong bối cảnh các chính sách tiền tệ đảo chiều tại các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới được kỳ vọng cân nhắc trong năm 2024 (Fed dự kiến sẽ không tăng lãi suất thêm cho đến khi bắt đầu giảm lãi suất điều hành, dự kiến có thể diễn ra cuối quý 2/2024 và ECB có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành từ tháng 6/2024). Điều này sẽ giúp giảm áp lực cho tỉ giá, qua đó SBV sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách nới lỏng. Nhờ vậy, dòng vốn sẽ thẩm thấu tốt hơn vào nền kinh tế. Doanh nghiệp có cơ hội vay vốn rẻ hơn, thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn nhờ giảm chi phí vốn sẽ tác động tích cực trở lại thị trường chứng khoán.

Đầu tư công cũng là một trong những điểm sáng trong năm 2024. Tính đến cuối tháng 12/2023, đã giải ngân được gần 74% kế hoạch đầu tư công, cải thiện so với tỷ lệ 67% năm trước đó và con số này hoàn toàn có thể cao hơn khi tính cả phần giải ngân trong tháng 1/2024. Đây là kết quả khả quan bởi kế hoạch năm 2023 được nâng cao hơn 25% so với cùng kỳ. Sang tới năm 2024, những dự án được kỳ vọng như cảng nước sâu khu vực phía Bắc, đường vành đai 4 của TP.HCM hay lô B Ô Môn trong lĩnh vực dầu khí…. kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho những doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng, vốn chịu tác động lớn khi thị trường bất động sản đóng băng.

Ngoài ra, việc Quốc hội thông qua Luật Đất Đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vào ngày 18/1 vừa qua cũng mang lại kỳ vọng cho nhóm bất động sản, ngân hàng - đây là hai nhóm vốn hóa lớn dẫn dắt VN-Index.

Tôi muốn nói đến sóng ngành. Theo ông, liệu trong năm 2024, có con sóng nào không?

Cơ hội của thị trường trong năm 2024 sẽ rõ và sáng hơn so với năm 2023. Nếu năm 2023 chúng ta chỉ biết chọn một vài nhóm ngành có câu chuyện riêng, thì năm 2024, lựa chọn nhóm ngành sẽ dễ hơn và lan tỏa đều các nhóm ngành hơn.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Ông có thể nói rõ hơn?

Trước hết, ngành ngân hàng hưởng lợi từ nhu cầu tín dụng hồi phục, NIM mở rộng, và dòng tiền các doanh nghiệp bất động sản cải thiện trong môi trường lãi suất thấp. Một số ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, gia tăng thị phần nhờ ưu thế đầu ngành, đã mạnh tay trích lập dự phòng trong giai đoạn 2020 - 2023, hoặc đã và đang hoàn thành việc tái cơ cấu.. Ngoài ra, năm nay là năm đầu tiên Chính phủ ra chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 15% cho các ngân hàng, điều này tạo ra sự chủ động và linh hoạt cho các ngân hàng trong việc giải ngân mạnh mẽ được dòng tiền ra nền kinh tế.

Tiếp theo, nhóm ngành thép được kỳ vọng sẽ là ngành hồi phục ấn tượng nhất năm 2024. Tuy nhìn về lợi nhuận có lẽ không đạt mạnh như 2021 nhưng kỳ vọng phục hồi rất lớn, phần lớn đến từ biến động của giá thép hồi phục. Đi kèm đó là sự hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công tăng mạnh năm 2023 và còn mạnh nữa trong năm 2024, thống kê cho thấy 30% giá trị xây dựng là từ nhà nước và 70% là từ dân dụng. Đi kèm theo đó là sự ấm lên của dòng bất động sản 2024 cũng là luận điểm đáng chú ý để đầu tư ngành thép.

Tôi cũng muốn đề cập đến nhóm ngành điện, năm 2024, đây cũng là nhóm được đánh giá là tích cực với các động lực chính đến từ sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xây dựng (xuất khẩu tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, trong khi lĩnh vực bất động sản ấm dần lên sẽ là động lực cho ngành xây dựng). Ngoài ra, hiện đang có câu chuyện quy hoạch điện 8 cho năm 2024, sang năm mới điện gió và điện khí sẽ được tập trung đẩy mạnh, từ đó sẽ dẫn đến tổng mức đầu tư vào quy hoạch điện này tăng lên rất mạnh.

Trong bối cảnh “mưa thuận gió hoà” như vậy, phải chăng nhiều doanh nghiệp sẽ tăng vốn?

Góc nhìn cá nhân của tôi thì tăng vốn hay không sẽ phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe kinh tế cũng như chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp.

Nhìn lại năm 2023, thì đây là một năm khó khăn với nhiều yếu tố biến động và khó đoán định đối với các doanh nghiệp trên thị trường. Doanh thu và lợi nhuận trong năm bị sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu giảm quy mô hoạt động, tối ưu chi phí. Điều này phần nào được thể hiện ở việc tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 thấp hơn kỳ vọng.

Tuy nhiên trong năm 2024, với các điểm sáng trong các yếu tố vĩ mô lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá ổn định, cầu tiêu dùng tăng, giải ngân vốn đầu tư công nhiều chuyển biến tích cực, chúng tôi kỳ vọng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường sẽ phần nào hồi phục, từ đó nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng sẽ gia tăng.

Ông vừa nói đến nhu cầu vốn của doanh nghiệp, điều này sẽ thay đổi thế nào trong năm 2024?

Tôi kỳ vọng rằng nguồn vốn trong năm 2024 sẽ đặc biệt dồi dào, tác động rất tích cực đến doanh nghiệp.

Đầu tiên xét về tăng vốn vay, trong bối cảnh mà mức nền lãi suất thấp trong năm 2023 được dự báo sẽ duy trì đến cuối năm 2024, không chỉ kích cầu nền kinh tế mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ phục vụ cho việc khôi phục sản xuất kinh doanh. Chưa kể đến khác với mọi năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ những ngày đầu năm (định hướng tăng khoảng 15%, tương đương 2 triệu tỷ đồng), đã mang thông điệp mạnh mẽ đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.

Tiếp đến là tăng vốn chủ, như đã đề cập trên, thị trường chứng khoán năm 2024 được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong năm 2024, tạo điều kiện tích cực cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường.

Điều nhiều nhà đầu tư quan tâm là chọn cho mình một phong cách đầu tư trong năm 2024, theo ông, phong cách đầu tư nào sẽ mang lại hiệu quả tốt?

Về phong cách đầu tư, bất kỳ hình thức đầu tư sinh lợi nhuận nào cũng luôn đi cùng với rủi ro. Song mức độ rủi ro cao hay thấp, lợi nhuận ít hay nhiều sẽ phụ thuộc vào chiến lược đầu tư mỗi người lựa chọn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách bình tĩnh và thận trọng hơn, năm 2024, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, do đó nhà đầu tư cần kiểm soát dòng tiền, trên cơ sở kiểm soát kỳ vọng của chính mình.

Đối với nhà đầu tư chứng khoán, trước khi tính toán kế hoạch đầu tư, giữ nghiêm kỷ luật trong quản trị rủi ro danh mục và thận trọng trong quyết định “xuống tiền” là điều kiện tiên quyết. Về diễn biến thị trường chứng khoán trong năm 2024, tôi cho rằng trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ khá giống năm 2023, nhưng cải thiện hơn và cải thiện dần về cuối năm.

Riêng với các nhà đầu tư bất động sản, việc chuẩn bị đón cơ hội kinh doanh hay đặt kỳ vọng quá cao, siêu lời khi lướt sóng thị trường để “phất lên” trong thời kỳ bình thường cũng như bây giờ, không phải dành cho số đông. Trong bối cảnh mới, điều này cũng hiếm và khó xảy ra hơn, song sự sàng lọc sẽ mang đến những cơ hội dài hạn.

Tin bài liên quan