Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì sáng 14/3, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, kết thúc niên độ tài chính 2023, tăng trưởng tín dụng của BIDV là 16,6% (toàn hệ thống tăng 13,78%) đưa dư nợ cho vay nền kinh tế của BIDV lên 1.748 nghìn tỷ (cao nhất hệ thống các TCTD).
Cũng theo ông Tú, trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, BIDV đã quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của NHNN. Cụ thể, đã chỉ đạo tăng trưởng tín dụng, lập các Tổ công tác đôn đốc tăng trưởng tín dụng ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2024. Tiếp tục rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hóa và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng; triển khai cơ chế cấp tín dụng bằng phương thức điện tử.
Bên cạnh đó, tiếp tục hạ lãi suất cho vay mới và dư nợ cũ (giảm 2 – 3,5% so với cùng kỳ năm trước; và từ 0,5 – 1,5% so với cuối 2023, tùy từng đối tượng khách hàng); 2 tháng đã giảm thu nhập là 1.393 tỷ đồng, dự kiến 2024 giảm thu nhập 7.000 - 8.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu thị trường đưa ra nhiều gói tín dụng, chương trình tín dụng riêng cho từng đối tượng khách hàng; triển khai chương trình cấp tín dụng theo chuỗi cung ứng, tham gia các chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp (2 tháng đầu năm đã đưa ra 7 gói tín dụng lãi suất chỉ từ 4,9% với tổng quy mô 510.000 tỷ đồng).
Chủ tịch BIDV cho biết: “Với các biện pháp trên, trong hơn 70 ngày qua, BIDV đã giải ngân cho vay hơn 470.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mức cho vay này vẫn thấp hơn số tiền trả nợ của Ngân hàng (gần 485.000 tỷ) nên dư nợ đến 11/3 giảm xấp xỉ 1% so với cuối năm 2023 (nhưng vẫn tăng 13,5% so cùng kỳ 2023)”.
Về các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, ông Tú cho biết, vốn tín dụng của BIDV tập trung cho 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, chương trình 120.000 tỷ đồng đã cho vay 5 dự án, số tiền cam kết 1.570 tỷ đồng. Hay chương trình tín dụng nông lâm thủy sản 15.000 tỷ đồng đã được BIDV đã giải ngân hết 3.000 tỷ đồng được giao trong năm 2023. Ngoài ra, BIDV tự ban hành 1 gói tín dụng nhà ở thương mại lãi suất thấp hơn 2% so với chương trình 120.000 tỷ (có 02 dự án số tiền 1.589 tỷ).
Ông Tú nhấn mạnh, trong thời gian tới, BIDV sẽ tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện chính sách tiền tệ Quốc gia, tham gia tích cực thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, kéo giảm lãi suất. Theo đó, về tín dụng, BIDV chỉ đạo tăng trưởng tín dụng phục vụ nền kinh tế trên cơ sở tiếp tục làm việc với các Hiệp hội, nhóm khách hàng, nắm bắt nhu cầu đưa ra các chương trình tín dụng phù hợp. Đồng thời, khai thác các nguồn vốn Quốc tế phục vụ tín dụng xanh. Tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay hợp lý cho các đối tượng khách hàng.
“Công khai, minh bạch quy trình xử lý cấp tín dụng (điều kiện, hồ sơ, lãi suất…). Tiếp tục nghiên cứu triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử, chương trình cho vay tiêu dùng. Triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp (lập và minh bạch báo cáo tài chính, nâng cao năng lực quản trị,…) cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Tú nói.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện thể chế (hướng dẫn thực hiện các Luật kinh doanh bất động sản, đất đai, nhà ở, TCTD...) vừa được Quốc hội thông qua. Hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các thị trường (hàng hóa, tiêu thụ, xuất nhập khẩu; lao động, bất động sản…) là tiền đề và là động lực phát triển thị trường tài chính (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; tín dụng ngân hàng…).
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (khôi phục thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới; giảm, giãn, hoãn thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính; tăng cường đào tạo quản trị doanh nghiệp; liên kết, hợp tác thông qua các Hội, Hiệp hội…).
Đồng thời, ông Tú cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quá trình chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ sản phẩm thông qua phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng. Tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện các TCTD phi ngân hàng (công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính,…) nâng cao năng lực cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đây cũng là một nguồn cung tín dụng đáng kể cho nền kinh tế, đặc biệt là khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế còn hạn chế.
“Nhân đây, cũng xin đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, hợp đồng, đơn hàng; hoàn thiện thủ tục pháp lý, có phương án kinh doanh hiệu quả khả thi. Bên cạnh đó, minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính, quản lý dòng tiền; cam kết thực hiện trách nhiệm, củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay”, ông Tú nói.
Về nguyên nhân dư nợ của nền kinh tế tăng trưởng thấp và khả năng tăng trưởng tín dụng 2024, ông Tú cho rằng, dư nợ tín dụng 02 tháng đầu năm của nền kinh tế tăng 12,14% so với cùng kỳ và sụt giảm (0,72%) so với dư nợ cuối năm 2023, nhưng không quá quan ngại, vì điều này phù hợp với xu hướng diễn biến thị trường và các nguyên nhân chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%; nhìn từ quan hệ cung – cầu tín dụng và các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.