Năm 2024 báo trước sự kết thúc của cuộc đua giảm thuế suất doanh nghiệp toàn cầu

Năm 2024 báo trước sự kết thúc của cuộc đua giảm thuế suất doanh nghiệp toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2024 sẽ đánh dấu một khởi đầu mới cho việc đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia lớn. Các quy tắc thiết lập mức thuế tối thiểu cho các doanh nghiệp này sẽ bắt đầu được áp dụng tại các khu vực pháp lý trên toàn thế giới.

Mục tiêu của thỏa thuận là hạn chế sự cạnh tranh thuế có hại. “Cuộc đua xuống đáy” đã chứng kiến các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư bằng cách cắt giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp theo luật định và mở rộng các ưu đãi về miễn thuế, thuế suất ưu đãi và các khoản khấu trừ khác.

Năm 1980, thuế suất doanh nghiệp theo luật định trên toàn thế giới trung bình là 40,11%, nhưng vào năm 2022, mức trung bình là 23,37%, dựa theo ước tính của OECD dựa trên tỷ lệ ở 180 khu vực pháp lý. Điều này đã thúc đẩy các công ty đa quốc gia chuyển đổi hoạt động và lợi nhuận chịu thuế cho phù hợp.

Cuộc cải cách cuối cùng nhằm mục đích chấm dứt vòng xoáy đi xuống này và khi làm như vậy sẽ thu hồi hàng tỷ đô la tiền thuế bổ sung mà các chính phủ có thể dùng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nghèo đói, thiếu hụt cơ sở hạ tầng và các trở ngại khác để cải thiện sự phát triển kinh tế của đất nước. Những người ủng hộ cũng cho rằng thỏa thuận sẽ giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu. Tuy nhiên, có rất nhiều điều không chắc chắn.

Ngay cả ở các nước đang phát triển, vẫn có rất nhiều sự hoài nghi, với việc một nhóm các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình đang thúc đẩy một sáng kiến phản đối tại Liên hợp quốc nhằm mang lại cho cơ quan này tiếng nói lớn hơn trong các cuộc cải cách thuế quốc tế.

“Mức thuế toàn cầu tối thiểu tác động không công bằng đến các nền kinh tế đang phát triển thường thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với các quốc gia công nghiệp hóa. Các ưu đãi về thuế đóng vai trò như một công cụ cần thiết để giảm thiểu sự chênh lệch cố hữu này”, Cesare Zingone, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Bất động sản Zeta ở Trung Mỹ lập luận rằng lý do cơ bản của cuộc cải cách nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng dựa trên “giả định thiếu sót” rằng tất cả các quốc gia đều bình đẳng.

Cuộc cải cách sắp có hiệu lực là một trong hai yếu tố (hay Trụ cột 2) làm cơ sở cho bước đột phá lịch sử đạt được vào năm 2021 trong cái gọi là “khuôn khổ bao trùm” của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Thỏa thuận này là kết quả của nhiều năm đàm phán quốc tế vất vả và là một thắng lợi quan trọng của chủ nghĩa đa phương.

Thỏa thuận đã thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro. Thỏa thuận có hơn 140 quốc gia tham gia - gần 3/4 tổng số thành viên Liên hợp quốc, chiếm hơn 90% cơ sở thuế doanh nghiệp toàn cầu.

Vào thời điểm ngân sách công đang căng thẳng và nhu cầu đầu tư vào chuyển đổi xanh, kỹ thuật số và xã hội trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ cho phép các chính phủ tăng thêm nguồn thu cần thiết. OECD ước tính, doanh thu từ thuế hàng năm mà các Bộ Tài chính trên toàn thế giới sẽ tăng thêm 220 tỷ USD, tương đương khoảng 9% doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu.

Trong tương lai, Trụ cột 1 của thỏa thuận năm 2021, bao gồm việc tái phân bổ giữa các khu vực pháp lý về quyền đánh thuế của các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất. Điều này nhằm đảm bảo rằng các công ty lớn này phải nộp thuế ở bất cứ nơi nào họ tạo ra lợi nhuận.

Tháng 10/2022, khuôn khổ toàn diện của OECD đã xuất bản một văn bản của công ước đa phương cần thiết để thực hiện Trụ cột 1, phản ánh sự đồng thuận rộng rãi đã đạt được cho đến nay giữa các quốc gia thành viên. Phù hợp với mốc thời gian cập nhật và đã thống nhất, năm 2024 cũng chứng kiến sự kết thúc thành công của các cuộc thảo luận về một số vấn đề còn bỏ ngỏ và việc ký kết công ước này. Điều này sẽ cho phép chúng ta tiến lên phía trước và mang lại đầy đủ lợi ích của con đường chung hướng tới thuế công bằng.

Hiệu ứng Domino hay chờ xem?

OECD dự kiến các bên ký kết sẽ đưa ra cải cách bắt đầu từ năm 2024, mặc dù cải cách này không đặt ra thời hạn chính thức và việc thực hiện cũng không bắt buộc.

Tuy nhiên, cơ chế phân tầng được thiết kế theo cách buộc các nước phải tự nguyện thực hiện cải cách hoặc có nguy cơ mất nguồn thu thuế tiềm năng vào tay các nước khác ở cấp bậc thấp hơn.

Tiền đề là việc triển khai của một số nền kinh tế lớn, nắm giữ một lượng lớn hoạt động của các công ty đa quốc gia sẽ gây ra hiệu ứng domino. Điều này sắp được đưa vào thử nghiệm.

Manal Corwin, giám đốc Trung tâm Chính sách và Quản lý Thuế của OECD cho biết: “Sự hấp thụ mà chúng tôi đang thấy khiến chúng tôi tin tưởng rằng trong khoảng năm tới sẽ đạt số lượng tới hạn và mức thuế tối thiểu có tác động toàn cầu như mong muốn”.

Tính đến tháng 11, ba trong số các bên ký kết – Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản – đã hoàn thiện luật quốc gia sẽ bắt đầu áp dụng vào năm tới. Theo chỉ thị của EU được thông qua vào năm 2022, tất cả 27 quốc gia thành viên của khối được yêu cầu áp dụng các quy tắc địa phương trước tháng 1/2024, mặc dù chưa có quy định nào vượt qua được các đề xuất lập pháp. Theo tính toán của Văn phòng thống kê FDI Intelligence dựa trên nghiên cứu của các công ty tư vấn PwC và EY, ít nhất 27 khu vực pháp lý khác đã thực hiện các quy định theo khuôn khổ này.

Mbakiso Magwape, luật sư và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thuế và Phát triển Quốc tế cho biết, tiến bộ ổn định đạt được ở châu Âu đã “kích hoạt lời kêu gọi hành động” của các cơ quan thuế khu vực muốn các nước đang phát triển ngừng trì trệ.

Tuy nhiên, tiến bộ đang được thực hiện ở các khu vực pháp lý có mức thuế thấp và không có thuế khác. Vào tháng 11, Bermuda đã công bố dự thảo luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tiên được ấn định ở mức 15%. Trong khi đó, nhiều quốc gia tiếp tục ký hiệp ước toàn cầu, với Kuwait và Philippines tham gia vào tháng 10/2023.

Daniel Bunn, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của think tank Tax Foundation cho biết: “Chúng tôi đã thấy một chút ‘hiệu ứng domino’ và ‘chờ xem’”.

Ông lưu ý rằng, một số khu vực pháp lý, chẳng hạn như Singapore đã xác nhận rằng họ sẽ không áp dụng các quy tắc của mình cho đến năm 2025. “Tôi xem đó là một cách tiếp cận thận trọng, chờ đợi những khu vực pháp lý đi trước cuộc chơi kiểm tra mọi thứ trước khi họ làm theo”, ông cho biết.

Tin bài liên quan