Ảnh minh họa .

Ảnh minh họa .

Năm 2023, số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%

0:00 / 0:00
0:00
Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tội phạm còn nhiều diễn biến phức tạp, toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội, thiệt hại tài sản khoảng 13.252 tỷ đồng (tăng 457,98%).

Đây chỉ là một trong nhiều con số nhức nhối tại phụ lục kèm theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023), vừa được gửi tới Quốc hội.

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tội phạm còn nhiều diễn biến phức tạp, toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 18%), làm 1.200 người chết (tăng 12,89%), 9.436 người bị thương (tăng 4,76%), thiệt hại tài sản khoảng 13.252 tỷ đồng (tăng 457,98%).

Nguyên nhân chủ yếu là do trạng thái xã hội bình thường trở lại hoàn toàn sau dịch Covid-19 với khó khăn về kinh tế - xã hội tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận nhân dân (so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch bệnh, số vụ phạm tội về trật tự xã hội năm 2023 tăng 0,13%). Nhóm tội phạm phức tạp trở lại là giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, mâu thuẫn vay nợ.

Báo cáo nêu dẫn chứng, chỉ trong 4 ngày đã có 3 vụ giết người do nguyên nhân vay nợ: Vụ Lâm Minh Quang giết con nợ tại TP.HCM ngày 21/7/2023; vụ Mai Văn Mơ thách thức và giết chủ nợ khi bị đòi tiền tại Bình Dương ngày 23/7/2023; vụ Phạm Văn Huấn giết em họ do bảo lãnh vay tiền tại Hưng Yên ngày 24/7/2023.

Nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo) chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, nổi lên là hành vi lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ, đòi nợ thuê để cưỡng đoạt tài sản.

Như, tại Tiền Giang, băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng công ty Luật Pháp Việt; vụ cưỡng đoạt tài sản do Công ty cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng thực hiện tại TP. HCM; vụ cưỡng đoạt tài sản do Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ thực hiện tại TP. HCM...

Cướp tài sản tại chi nhánh ngân hàng, tiệm vàng cùng là vấn đề được Chính phủ lưu ý, khi xảy ra tại nhiều địa phương: Thái Nguyên, Đồng Tháp, Đồng Nai, Thanh Hóa, Bình Dương, Hải Dương, Sóc Trăng, Đà Nẵng, TP.HCM.

Đáng lưu ý còn là tội phạm bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng dưới nhiều hình thức đa dạng và thường xuyên thay đổi... Tội phạm mua bán người, lừa đảo đưa người Việt Nam ra nước ngoài và cưỡng bức lao động, cưỡng ép tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng diễn ra phức tạp, Chính phủ nhận định.

Nhìn vào chỉ tiêu thống kê, riêng số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là 4.290, tăng 61,52%. Số đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là 3.032, tăng 31,03%. Số vụ cướp tài sản là 1.044 tăng 44,40%. Số vụ và số đối tượng trộm cắp tài sản đều trên 17.000 và đều tăng so với năm trước.

Tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng được Chính phủ cập nhật.

Theo đó, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn ra phức tạp. Nổi lên là các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe , khai thác tài nguyên, khoáng sản gây bức xúc dư luận.

Vi phạm quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá với thủ đoạn thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu với đơn vị thẩm định nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng.

Tại Hà Nội, khởi tố 5 bị can trong đó có Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Bankland với thủ đoạn lập dự án không có thật, dự án trên đất nông nghiệp sau đó quảng cáo để lôi kéo khách hàng dưới hình thức “Phiếu đặt cọc thiện chí” rồi chiếm đoạt tài sản.

Tại Quảng Ninh, khởi tố vụ án “mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế” tại Công ty cổ phần Xăng dầu dầu khí Quảng Ninh, Công ty cổ phần Công nghiệp Tân Tiến, Công ty TNHH Phương Thảo... các đối tượng gây thiệt hại ước tính trên 70 tỷ đồng.

Tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, chủ yếu là các sai phạm trong công tác thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất đai với mục đích trục lợi, theo đánh giá của Chính phủ.

Tin bài liên quan