Năm 2023 có thể là năm nóng kỷ lục

Năm 2023 có thể là năm nóng kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo cơ quan biến đổi khí hậu của EU, một loạt kỷ lục nhiệt độ toàn cầu bất thường đang đồng nghĩa với việc năm 2023 “gần như chắc chắn” sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Hôm thứ Tư (8/11), Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của EU cho biết, tháng 10 năm nay là tháng 10 nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu, khi ghi nhận nhiệt độ bề mặt trung bình là 15,3 độ C (59,54 độ F) trong khoảng thời gian này.

Nhiệt độ này cao hơn 0,85 độ C so với mức trung bình trong tháng 10 giai đoạn 1991-2020 và ấm hơn 1,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp giai đoạn 1850-1900.

Ngoài ra, dữ liệu được đối chiếu từ việc đo vệ tinh, tàu, máy bay và trạm thời tiết trên khắp thế giới cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu từ đầu năm đến nay là cao nhất được ghi nhận. Điều này khiến năm 2023 chắc chắn vượt qua mức nhiệt độ trung bình của năm 2016 - hiện là năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Nhiệt độ cực cao được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, nguyên nhân chính là việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà khoa học khí hậu cho biết, những phát hiện này “giống như thứ gì đó bước ra từ một bộ phim Hollywood” và sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu là do lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng và hiện tượng El Nino ngày càng mạnh.

Samantha Burgess, Phó giám đốc C3S cho biết, sự bất thường về nhiệt độ đặc biệt của tháng 10 diễn ra sau khoảng thời gian 4 tháng, trong đó các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu đã bị “xóa sổ”.

“Chúng tôi có thể nói gần như chắc chắn rằng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận và hiện cao hơn 1,43 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp”, bà cho biết.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới sẽ gặp nhau tại Dubai từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 để thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ.

Mỗi năm, các bộ trưởng đại diện cho các quốc gia trên toàn cầu tập trung tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP) để thảo luận cách đạt được mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris 2015 mang tính bước ngoặt - hạn chế mức nóng lên toàn cầu chỉ còn 1,5 độ C vào năm 2050.

Thế giới đã ấm lên khoảng 1,1 độ C sau hơn một thế kỷ đốt nhiên liệu hóa thạch cũng như việc sử dụng đất và năng lượng không đồng đều và không bền vững. Thực tế cho thấy rằng, chính sự gia tăng nhiệt độ này đang gây ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới.

C3S cho biết các điều kiện thời tiết El Nino tiếp tục phát triển ở xích đạo Thái Bình Dương, mặc dù những bất thường về nhiệt độ gần đây nhất vẫn thấp hơn so với những gì đạt được trong quá trình phát triển của các sự kiện El Nino mạnh mẽ trong lịch sử năm 1997 và 2015.

David Reay, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Edinburgh cho biết: “Được trình bày rất rõ ràng, những con số năm 2023 về nhiệt độ không khí, nhiệt độ nước biển, băng biển và phần còn lại trông giống như thứ gì đó bước ra từ một bộ phim Hollywood…Thật vậy, nếu những nỗ lực toàn cầu hiện nay của chúng ta nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một bộ phim thì nó sẽ có tên là ‘Hot Mess’”.

Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu từ Đại học Hoàng gia London cho biết, điều quan trọng cần nhấn mạnh là kỷ lục nhiệt độ tháng 10 không nên được xem là “một con số lớn khác thú vị về mặt thống kê”.

“Trong năm nay, những đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán trở nên tồi tệ hơn nhiều do nhiệt độ khắc nghiệt này đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, người dân mất sinh kế, phải di dời…”, bà cho biết thêm.

Tin bài liên quan