Năm 2022, sẽ trình Trung ương Đề án đổi mới chính sách về đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Trong kế hoạch năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương các đề án quan trọng liên quan đến chính sách đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn và công nghiệp hóa.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, diễn ra ngày 13/1/2022, trong tháng 5, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" và Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII..

Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ được trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10/2022.

Ban Kinh tế Trung ương được giao là cơ quan thường trực xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", trên cơ sở đó tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chính sách, pháp luật đất đai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Công việc này đã được Ban Kinh tế Trung ương tập trung cao độ, huy động cao nhất sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để đánh giá khách quan về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW.

Ngày 17/9/2021, Dự thảo đề án đã được Bộ Chính trị họp, xem xét và chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện Đề án để trình Hội nghị Trung ương 5. Ban đã tiến hành khảo sát, làm việc thực tế tại một số địa phương, bộ, ngành, như Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, TP.HCM, Đồng Nai và Quảng Ngãi, để tiếp tục làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau, qua đó tìm ra các quan điểm mới, các giải pháp phù hợp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án (lần 4).

Dự kiến, Ban sẽ tiếp tục tổ chức một số hội thảo, hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Đề án để hoàn thành trong tháng 3/2022 để trình Bộ Chính trị xem xét trước khi trình Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.

Ngoài ra, một số đề án cũng sẽ được hoàn tất, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư như Đề án "Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020".

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, năm 2021, Ban có một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án.

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Ban Kinh tế Trung ương cần phải tiếp tục nỗ lực để cùng cả hệ thống chính trị cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; tăng cường công tác tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực nói chung và nước ta nói riêng được dự báo sẽ còn có những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Với khối lượng công việc lớn, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội, trọng tâm là các nghị quyết, kết luận do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan