Trung tâm mua sắm AEON.

Trung tâm mua sắm AEON.

Năm 2022, ngành bán lẻ nối lại mạch tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bán lẻ là lĩnh vực chịu tác động nặng từ dịch bệnh, nhưng đây cũng là ngành được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong bối cảnh bình thường mới. Đầu tư Chứng khoán ghi nhận đánh giá về triển vọng thị trường từ phía đại diện các nhà bán lẻ tiêu biểu, chuyên gia trên thị trường.

“Ngành bán lẻ Việt Nam có tiềm năng lớn từ tăng trưởng GDP và tầng lớp trung lưu mạnh mẽ”

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam

Theo tôi, trong 5 - 10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, khi Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á (9,2%/năm). Theo dự báo, trong một thập kỷ tới, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ tương đương với Thái Lan ở hiện tại.

Trong năm 2030, GDP đầu người của Việt Nam sẽ ngang bằng với Thái Lan. Tỷ lệ đô thị hóa sẽ tăng từ 36% (hiện tại) lên 50%, và tỷ lệ kênh phân phối hiện đại cũng sẽ đạt mức 50%, tăng mạnh từ con số 10% hiện nay. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng sẽ phát triển mạnh mẽ với tỉ lệ tăng trưởng đạt khoảng 24%/năm. Theo mục tiêu của Chính phủ Việt Nam, tính đến năm 2025, tỉ lệ thanh toán không tiền mặt sẽ đạt 90%, và 100% người dân sẽ có số định danh cá nhân.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam và sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc của ngành bán lẻ trong thời gian tới, doanh thu của các nhà bán lẻ hàng đầu dự đoán sẽ gấp 3 lần so với thời điểm hiện tại.

Lĩnh vực dịch vụ, thiết bị và tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với đầy tiềm năng trong thời gian tới. Sau đại dịch, hành vi mua sắm của khách hàng tại Việt Nam cũng có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, nhu cầu mua sắm hàng hoá thiết yếu cũng như sử dụng các nền tảng thương mại điện tử cũng tăng theo.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng nhận thấy đây là cơ hội kinh doanh và tích cực triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, dòng vốn vào thị trường Việt Nam cũng sẽ tăng lên, và đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

“Năm 2022 sẽ là năm MM Mega Market Việt Nam đẩy mạnh bán hàng đa kênh”

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại, MM Mega Market Việt Nam (MM)

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại, MM Mega Market Việt Nam (MM)

Mặc dù năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam có mức tăng trưởng thấp do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng về dài hạn thị trường vẫn đầy tiềm năng. Điều này đến từ việc Việt Nam có gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh và thu nhập của người dân cũng có phần cải thiện.

Trong năm 2022, MM sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển kênh bán hàng đa kênh (omnichannel) vì thương mại điện tử ở Việt Nam đang ngày càng nở rộ và phát triển. Đặc biệt, chúng tôi đang nghiên cứu và hy vọng sẽ sớm đưa vào sử dụng phần mềm Pick & Go. Đây là phần mềm được phát triển bởi công nghệ AI, bạn sẽ không còn phải xếp hàng dài chờ đợi đến lượt thanh toán, tải ứng dụng, quét mã QR khi bước vào siêu thị, chọn những sản phẩm mà bạn cần, các sản phẩm này sẽ được cho vào “giỏ hàng” trên ứng dụng. Ngay khi bạn hoàn tất việc lấy hàng, bấm thanh toán, toàn bộ chi phí mua hàng sẽ được tính vào tài khoản của bạn.

Đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng ngày càng chú trọng hơn về sự tiện lợi và lựa chọn các siêu thị nhỏ và vừa, có vị trí gần nhà đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, MM sẽ triển khai kế hoạch mở rộng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau như Food Service, Depot hay Hybrid Food Service để tăng độ phủ trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Hơn nữa, theo nghiên cứu, 60% người tiêu dùng trên toàn cầu ngày càng quan tâm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của mình sau khi trải qua đại dịch. Họ chủ động tiếp cận các loại thực phẩm dinh dưỡng chức năng, những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, truy xuất nguồn gốc. Vì thế, MM luôn đặc biệt chú trọng phát triển thực phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe.

“Kiên định theo đuổi mục tiêu trở thành chuỗi bán lẻ đa ngành hàng đầu”

Đại diện FPT Retail (FRT)

FRT vẫn bám sát định hướng trở thành chuỗi bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam. ICT hiện vẫn là mảng cốt lõi của FRT nên Công ty đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh trên mỗi cửa hàng thuộc hệ thống FPT Shop bằng việc đưa vào các sản phẩm và loại hình dịch vụ mới.

Trong khi đó, Long Châu là hướng đi chiến lược và là động lực tăng trưởng của FRT. Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành chuỗi nhà thuốc số 1 Việt Nam và sẽ mở thêm vài ngàn nhà thuốc trong ba năm tới. Hoàn thành mục tiêu trên sẽ giúp chúng tôi tiến xa hơn trên hành trình thực hiện sứ mệnh đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của người dân. FPT Long Châu hiện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa quy trình đưa vào quản trị và vận hành các nhà thuốc, nâng cao tỷ lệ tự động hóa để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Trong thời gian tới, FRT cũng chú trọng nâng cao trải nghiệm khách hàng tại tất cả các chuỗi của công ty. Hiện nay, người dùng Việt Nam đã có thay đổi nhận thức khá lớn và ưu tiên chọn thương hiệu nội nhiều hơn. Chúng tôi nhận thấy, một trong những lợi thế của các thương hiệu nội có thể kể đến chính là sự hỗ trợ tối đa từ Chính phủ thông qua các chính sách, ưu tiên dành cho thương hiệu Việt, sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành, đồng thời, các doanh nghiệp Việt có sự thấu hiểu khách hàng Việt tốt hơn.

“Cơ hội có nhiều nhưng phụ thuộc vào khả năng nắm bắt của mỗi nhà bán lẻ”

Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Giám đốc Cấp cao, Cushman & Wakefield Việt Nam

Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Giám đốc Cấp cao, Cushman & Wakefield Việt Nam

Trước làn sóng thâm nhập ngày càng tăng của các nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, các nhà bán lẻ trong nước sẽ có những áp lực nhất định vì thị phần sẽ bị chia nhỏ và nguy cơ thu hẹp hoạt động kinh doanh có thể diễn ra.

Thị trường bán lẻ trong nước khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi tiềm năng dân số đến hơn 97 triệu người vào cuối năm 2021, kinh tế phát triển ổn định cũng như những cải tiến trong hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Các nhà bán lẻ nước ngoài đã hiện diện thì đang tích cực mở rộng thêm các trung tâm thương mại, những tên tuổi mới thì đang tích cực tìm kiếm cơ hội để thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này. Các nhà bán lẻ trong nước, điển hình là WinMart và Coop.Mart cũng tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh của mình để có thể duy trì thị phần bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, không phải trung tâm thương mại hay cửa hàng bán lẻ hiện đại nào cũng thành công như nhau. Metro và Big C đã lần lượt “đổi chủ” mặc dù đã hoạt động nhiều năm trên thị trường Việt Nam với số lượng siêu thị/trung tâm mua sắm cũng tăng lên và có mặt ở hầu hết các thành phố trực thuộc trung ương.

Việc mở rộng ngày càng nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam từ việc mua sắm tại các chợ truyền thống chuyển sang các trung tâm mua sắm hiện đại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mạng lưới chợ truyền thống dày đặc và vẫn là nơi lựa chọn ưa chuộng của rất nhiều người Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng, thói quen và quan niệm lâu đời có thể thay đổi được nhưng vẫn cần có thời gian và trải nghiệm thực tế. Vì vậy, các nhà bán lẻ cả trong và ngoài nước mới tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh để đáp ứng nhu cầu tiềm năng này. Trong cuộc đua tranh giành thị phần này, nhiều người lo lắng về sự “yếu thế” của nhà đầu tư nội trước làn sóng thâm nhập ngày càng nhanh của các ông lớn từ Nhật Bản và Thái Lan.

Lo lắng là tất yếu vì người tiêu dùng hiện đại có thói quen mua sắm trực tuyến và mẫu mã đa dạng sẽ là tiêu chí ưu tiên chọn lựa, mà hai tiêu chí này hoàn toàn là lợi thế của các nhà bán lẻ ngoại, trong khi đó đây lại là hạn chế của nhiều nhà bán lẻ nội.

Tuy nhiên, hiện nay các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại các địa bàn không thuộc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, tôi tin rằng các nhà bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội để phát huy năng lực cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ trong nước nên nhìn nhận điểm mạnh điểm yếu của mình một cách nghiêm túc để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp nhất cho thị trường tiêu dùng Việt Nam. Nhà bán lẻ trong nước có điểm mạnh là am hiểu nền văn hóa vùng miền cũng như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hơn nhà bán lẻ nước ngoài, chính vì vậy nên tập trung phát huy ưu điểm này để đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất.

Tóm lại, cơ hội phát triển vẫn còn đó cho tất cả các nhà bán lẻ trong nước. Chỉ phụ thuộc vào khả năng nắm bắt và tận dụng cơ hội của họ nhanh nhạy như thế nào thôi.

Tin bài liên quan