Năm 2022, dự báo dệt may vẫn trong trạng thái “bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
Do Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới khả năng năm 2022, ngành dệt may có thể đối diện với thực tế có giai đoạn sẽ bị giãn cách, thậm chí cách ly, ảnh hưởng tới sản xuất.
Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Đó là nhận định của ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Thưa ông, đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm nay đã làm đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng, trong đó có dệt may. Trong khi những dự báo về thời điểm dịch được khống chế vẫn chưa rõ thì ngành hàng xuất khẩu gần 40 tỷ USD/năm này tiếp tục chịu ảnh hưởng không nhỏ?

Thực tế trong 18 tháng qua, chúng ta trải qua rất nhiều dự báo sai về thời điểm dịch được khống chế. Từ chỗ quý I/2020 dự báo virus Covid-19 không chịu được nắng nóng, mùa hè nóng nực sẽ hết dịch với hy vọng ổn định trở lại vào tháng 8 hoặc tháng 9/2020. Sau đó là dự báo khi có vắc-xin, tình hình sẽ được kiềm chế sau khi đạt miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2021 ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dịch bệnh quay đi quay lại với nhiều biến thể khác nhau, tốc độ lây lan của biến thể sau cao gấp nhiều lần biến thể trước.

Ở nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao đã mở cửa trở lại, rồi đột nhiên các ca dương tính lại tăng vọt, phải quay lại trạng thái đóng cửa hoặc kiểm soát. Giao thương, đi lại giữa các quốc gia và khu vực tiếp tục bị cản trở. Với thực tế này thì các doanh nghiệp buộc phải thích ứng để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.

Theo ông, trạng thái “bình thường mới” ít nhất là trong khoảng thời gian từ nay đến hết năm 2022 với các doanh nghiệp dệt may được hiểu như thế nào?

Với diễn biến dịch như hiện nay, tôi cho rằng, xu thế làm việc online vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí ngay cả khi hết dịch thì không phải 100% các công việc offline trước đây sẽ quay trở lại, mà sẽ có một tỷ lệ nhất định quyết định chuyển sang công việc làm online. Do đó nhu cầu các sản phẩm chuẩn tắc (formal, dress code) cho công sở sẽ có nguy cơ khó phục hồi lại mức cũ. Các sản phẩm casual mang lại sự thoải mái, kết hợp được cả ở nhà và phù hợp khi làm việc online sẽ có nhu cầu cao hơn.

Thêm nữa, do dịch bệnh chưa biết sẽ diễn biến ra sao, chưa có giải pháp triệt để kết thúc dịch, nên khả năng tới năm 2022 vẫn chưa thể khẳng định sẽ hoàn toàn sản xuất bình thường, mà có thể lại có giai đoạn bị giãn cách, thậm chí cách ly, ảnh hưởng tới sản xuất.

Doanh nghiệp cũng phải lưu ý trước xu thế gia tăng kinh doanh trực tuyến, cắt khâu trung gian, kéo dài thời gian thanh toán. Đơn hàng xu thế bị nhỏ đi, thời gian giao hàng lại cần nhanh hơn, trong khi mọi yếu tố về sản xuất, giao hàng có nhiều bất định, dễ bị thay đổi, đồng thời logistics toàn cầu tiếp tục mất cân đối, đơn giá vận tải tăng, thời gian kéo dài, ảnh hưởng lớn tới thời gian giao hàng và chi phí đến tay người tiêu dùng.

Như vậy là các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang và sẽ tiếp tục chuẩn bị để làm việc, sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” với nhiều sự linh hoạt để thích ứng. Họ phải triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp cần sự linh hoạt cao hơn, phân tích kỹ chuyển động thị trường để có dự báo và ra quyết định sát hơn.

Đơn cử, về sản xuất, doanh nghiệp phải đối diện tình hình mới sẽ khiến trạng thái sản lượng đầu ra không đều, không đo lường được năng suất theo tháng. Nhất là thời điểm giãn cách chắc chắn sản lượng suy giảm, con đường duy nhất duy trì được tăng trưởng là thời gian không giãn cách phải có sản lượng cao hơn để bù lại. Tất nhiên, cách tổ chức sản xuất này chắc chắn sẽ rất áp lực, thậm chí chi phí cao, nhưng so với giảm tổng sản lượng cả năm thì vẫn hiệu quả hơn.

Về sản xuất đã vậy, liên quan đến thị trường và khách hàng cũng là bài toán không đơn giản với từng doanh nghiệp, khi kế hoạch thị trường luôn ở trạng thái bị động vào năng lực sản xuất có thể lên xuống bất ngờ vì rủi ro dịch bệnh. Do đó, giải pháp để tiếp cận hợp lý lúc này có lẽ lại là không đàm phán đơn hàng quá xa. Chấp nhận khó khăn về lập kế hoạch sản xuất, đổi lại có thể thực hiện được tốt hơn cam kết giao hàng với khách.

Áp lực tài chính cũng là vấn đề, bởi khi sản xuất không đều sẽ đặt hệ thống tài chính vào chu kỳ rất ngắn trong xử lý vòng quay. Tôi cho rằng, sẽ xuất hiện nhu cầu vốn lưu động tăng vọt khi sản xuất vượt cả công suất đỉnh, đồng thời lại xuất hiện thiếu hụt dòng tiền ở các giai đoạn đứt quãng sản xuất vì dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang lo ngại khó có đủ lao động để thực hiện đơn hàng sau giãn cách. Theo ông, làm thế nào để giải quyết bài toán này?

Nhân lực là khâu chịu áp lực lớn nhất với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành may, nhất là khi kế hoạch sản xuất không ổn định và dịch bệnh khiến người lao động lo ngại. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, doanh nghiệp nên tiếp cận suy nghĩ về tiền lương theo giờ, thu nhập theo năm. Tháng phải giãn, ngừng việc thì trả theo lương tối thiểu, tháng cao điểm làm nhiều hơn, thu nhập sẽ cao hơn.

Điều quan trọng là cần truyền thông và thuyết phục người lao động chấp nhận theo hệ thống mới. Làm tốt việc tuyên truyền sẽ giúp đảm bảo nhân lực trong điều kiện kế hoạch sản xuất biến thiên và khó dự báo được sớm.

Tin bài liên quan