Theo đó, tùy thuộc hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt, VIB đặt mục tiêu đưa tổng dư nợ tín dụng lên 225.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Huy động vốn tăng trưởng tương đương tăng trưởng tín dụng, lên mức 235.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 được đặt mục tiêu trên 7.500 tỷ đồng, tăng 29% so với kết quả năm 2020.
Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VIB đạt 5.801 tỷ đồng, tăng 42,1% so với năm 2019 và vượt 29% so với kế hoạch.
VIB đề ra mục tiêu tập trung không chỉ vào mảng tín dụng truyền thống cho vay nhà và ô tô, mà còn tăng trưởng các mảng thu phí và dịch vụ phi tín dụng, mảng kinh doanh ngân hàng số. Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE mục tiêu từ 28 - 30%.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản VIB đạt mức 244.710 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cuối năm 2019. Tiền gửi khách hàng tăng 22,9% lên 150.360 tỷ đồng. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ của ngân hàng đạt 84% tổng dư nợ tín dụng.
Hết năm, số dư nợ xấu nội bảng của VIB ở mức 2.957 tỷ đồng, tăng 16,6%, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng 31,2%, đạt 169.520 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,96% xuống 1,74%. Ngân hàng không còn nợ xấu tại VAMC.
Tuân thủ quy định của NHNN, 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu.
Đáng chú ý, dự kiến tại ĐHĐCĐ lần này, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu.
Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.
Tháng 11/2020, VIB đã niêm yết gần 1 tỷ cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu cho ngày đầu giao dịch là 32.300 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên ngày 26/2, cổ phiếu VIB đóng cửa tại mức 39.700 đồng/cổ phiếu, tăng 3,25%. Khối lượng giao dịch đạt gần 1,1 triệu đơn vị.