Năm 2021, tăng trưởng 6,5% là phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6,5%, mặc dù cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đặt ra (tăng 6%), nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo của định chế tài chính quốc tế.
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

“Đây là phù hợp với tình hình thực tế”, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định.

Tăng trưởng GDP đạt 2,91%, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ca ngợi là một trong những nền kinh tế thành công nhất năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để có thể tăng trưởng cao hơn. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Đúng là năm 2020, nền kinh tế Việt Nam còn một số dư địa tăng trưởng như tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 10,14%, thấp hơn so với năm 2019 là 12,14%. Nếu tăng trưởng tín dụng đạt ngang bằng năm 2019, thì GDP còn tăng cao hơn. Hay như giải ngân vốn đầu tư công, năm 2020 là năm đạt khối lượng giải ngân cũng như tỷ trọng giải ngân/kế hoạch vốn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng vẫn thấp xa so với kế hoạch. Nếu giải ngân được toàn bộ số vốn đầu tư công, thì chắc chắn, GDP sẽ cao hơn, bởi theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm.

Thặng dư thương mại có đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng đây là sự đóng góp không vững chắc bởi thương mại toàn cầu diễn biến bất thường, thưa ông?

Năm 2020, Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục với 19,1 tỷ USD, gần bằng tổng mức xuất siêu 4 năm trước cộng lại (20,9 tỷ USD), đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP. Trong đó, xuất khẩu 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.

Từ khi hội nhập kinh tế thế giới và khu vực đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm nào cũng tăng (ngoại trừ năm 2009 giảm 11,4%), nhiều năm tăng ở mức 2 con số. Ngay như năm 2020, thương mại qua biên giới toàn cầu giảm 25 - 30%, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Năm 2020 không chỉ là năm đạt kỷ lục về thặng dư thương mại, mà còn là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam thặng dư thương mại. Những điều đó cho thấy, ngay cả khi hoạt động đầu tư, kinh tế, thương mại… thế giới rơi vào bất ổn, thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và ngày càng vững chắc khi thực thi các hiệp định thương mại tự do, như CPTPP, EVFTA, RCEP...

Có nghĩa là, trong tương lai, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn trông chờ vào hoạt động xuất nhập khẩu?

Không phải với Việt Nam, mà với hầu hết các nước trên thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội… Toàn cầu hóa bao nhiêu, thì vai trò của hoạt động thương mại xuyên biên giới càng đóng vai trò quan trọng bấy nhiêu với bất cứ nền kinh tế nào. Các cuộc thương chiến giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới đã và đang chứng minh vai trò quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu.

Với độ mở nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất thế giới như Việt Nam, xuất nhập khẩu càng có ý nghĩa. Vì vậy, trong ngắn hạn, Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu gây biến động nền kinh tế của thế giới và Việt Nam, do đó, mục tiêu chính lúc này là tiếp tục kiểm soát, khống chế dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Làm được việc này thì mới tạo điều kiện để tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu.

Trước bối cảnh suy thoái toàn cầu trong những năm tới, thặng dư thương mại vẫn sẽ là động lực giúp tăng trưởng kinh tế. Vì thế, cần tiếp tục tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Còn trong dài hạn, mở cửa nhưng không được phụ thuộc, nên phải tăng cường tự lực, tự cường của nền kinh tế, chủ động nguồn nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất các mặt hàng xuất khẩu; tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu để nâng tỷ lệ giá trị giá tăng của hàng xuất khẩu.

Nghị quyết 01/NQ-CP phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 6,5%, mặc dù cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đặt ra (khoảng 6%), nhưng thấp hơn rất nhiều so với dự báo của các định chế tài chính quốc tế. Ông bình luận thế nào về việc này?

Ngân hàng Standard Charterd dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 là 7,8%; Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P thậm chí dự báo có thể tăng trên 11%. ADB và WB dự báo, năm 2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%... Dự báo rất khả quan về kinh tế Việt Nam năm 2021 cho thấy, các định chế tài chính quốc tế rất kỳ vọng vào sự trỗi dậy của Việt Nam trong năm nay, sau khi đã đạt được kỳ tích trong năm 2020.

Tuy nhiên, mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với tăng trưởng GDP đạt 6,5% là phù hợp với tình hình thực tế, vì mục tiêu này căn cứ vào các yếu tố khách quan, chủ quan, trong nước, ngoài nước và tính toán mọi khả năng có thể xảy ra.

Khác với dự báo của các tổ chức quốc tế là để tham khảo, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu là phải quyết tâm thực hiện, vì nếu không đạt được tốc độ tăng trưởng như dự kiến sẽ tác động tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng khác, như nợ công, bội chi, thu ngân sách, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội…

Tin bài liên quan