Trong khi thị trường quốc tế đóng băng, doanh nghiệp du lịch tập trung thu hút khách nội địa. Ảnh: Đ.T

Trong khi thị trường quốc tế đóng băng, doanh nghiệp du lịch tập trung thu hút khách nội địa. Ảnh: Đ.T

Năm 2021, du lịch sẽ hoạt động theo kiểu du kích

0:00 / 0:00
0:00

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, năm 2021, doanh nghiệp du lịch sẽ áp dụng chiến thuật kinh doanh theo kiểu du kích.

Sống chung với đại dịch

Ông Nguyễn Văn Tài, CEO của VietSense Travel cho biết, hầu hết doanh nghiệp du lịch còn trụ lại đang dùng nguồn vốn mỏng để gắng gượng. Trong bối cảnh tiếp tục phải đóng cửa các đường bay quốc tế, kết nối ngắt quãng, năm 2021, bức tranh doanh nghiệp du lịch sẽ có thêm nhiều màu xám và quá trình đào thải vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, ông cho rằng, trong bối cảnh đó, doanh nghiệp sẽ hoạt động linh hoạt hơn.

“Chúng tôi xác định là phải tự cứu mình trước. Mỗi một ngày, chúng tôi đều cố gắng, nỗ lực tìm ra giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới để thay thế”, ông Tài chia sẻ.

Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, CEO của AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay, các doanh nghiệp du lịch đã học và quen với việc sống chung với dịch bệnh. Họ không đưa ra kế hoạch dài hạn, vì phụ thuộc vào việc phòng, chống dịch. “Chúng tôi xác định, Covid-19 có thể dai dẳng đến khi hầu hết người dân trên thế giới được tiêm vắc-xin. Mà điều đó chưa chắc được giải quyết trong năm 2021”, ông Đạt nhận định.

Ông Đạt minh chứng, vừa qua có ca mắc Covid-19 ở TP.HCM, ngay lập tức, nhiều khách hàng của AZA Travel đã gọi điện bày tỏ lo lắng và muốn hủy tour, dù hành trình của họ không liên quan tới TP.HCM. Điều này khiến các doanh nghiệp vốn đã rất ốm yếu, lại thêm chồng chất khó khăn. “Với bối cảnh thị trường đầy yếu tố rủi ro, bất định như thế, các hãng lữ hành sẽ không dám đặt cọc nhiều tiền để giữ vé máy bay, phòng khách sạn. Chúng tôi sẽ sử dụng chiến thuật kinh doanh theo kiểu du kích. Theo đó, dịch mạnh thì rút lui, dịch yếu sẽ đẩy mạnh hoạt động”, ông Đạt bật mí.

Chống dịch hiệu quả, du lịch sẽ bật tăng trở lại

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), không ai biết trước Covid-19 có bùng phát trở lại hay không, nên trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, doanh nghiệp du lịch cần tính toán kịch bản ứng phó với những tình huống xấu nhất. “Doanh nghiệp cần linh hoạt tư duy, đa dạng loại hình kinh doanh, có thêm nghề phụ như kinh doanh online, bán đồ ăn… để tồn tại. Sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thay đổi chuỗi kinh doanh sẽ tạo dư địa tăng trưởng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nói về bức tranh du lịch Việt Nam 2021, ông Đạt cho rằng, trong thách thức luôn có cơ hội. Thị trường quốc tế đóng băng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước phục vụ thêm nhiều du khách Việt đi du lịch trong nước, thay vì đi du lịch nước ngoài như mọi năm. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều cơ sở lưu trú đóng cửa, nhưng cũng không ít khách sạn, resort vẫn được đầu tư để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, việc phát triển hoạt động kinh doanh du lịch trong năm 2021 sẽ rất khó khăn, do doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền. Hiện nay, ngân hàng quản lý rất chặt, xét thấy ngành có dấu hiệu khó khăn là thu hạn mức, không cho vay dự án mới, khiến dòng tiền vốn đã khó lại càng khó hơn.

Năm 2020, du lịch Việt Nam chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm hơn 80% so với năm trước; khách nội địa giảm 50%; ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD. Đến nay, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, 70% doanh nghiệp du lịch đóng cửa.

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Không chỉ gặp khó về dòng tiền, mà nguy cơ thiếu nhân sự giàu kinh nghiệm để giúp doanh nghiệp bứt phá cũng khó tránh, bởi nhân sự ngành du lịch thích ứng nhanh, nhiều người đã êm ấm, thành công ở ngành nghề khác trong thời gian ngắn. Trong khi đó, chúng ta không có bất kỳ quỹ nào đủ lớn để giúp doanh nghiệp du lịch giải bài toán này.

Ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfood Travel cho hay, giai đoạn 2016 - 2019, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng bình quân trên 20%/năm, nằm trong Top 6 thị trường tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2019, du lịch đóng góp trực tiếp 9,2% vào GDP, gián tiếp và lan tỏa tới 18% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm. Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vẫn chưa đến được với những “tế bào xương sống” của ngành kinh tế quan trọng này.

Chính vì thế, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần đồng bộ, bám sát thực tiễn, coi doanh nghiệp là tế bào để phát triển. “Tất cả các bộ, ngành phải đi xuống cơ sở, sát cơ sở, giải quyết tại chỗ kịp thời. Tất cả những cái đó phải như đánh trận. Vào một trận đánh phải bày binh, bố trận, giải quyết cụ thể, kịp thời, rõ ràng”, ông Phú nói.

Ông Phú dẫn dụ, giảm lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp từ 6% còn 4% thì rất rõ. Nhưng lại phải chờ xét duyệt doanh nghiệp có 50% lao động nghỉ làm mới hỗ trợ. Điều này khiến doanh nghiệp chán nản. Như thế là hỗ trợ chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa nhấn mạnh, để cấu thành sản phẩm du lịch có chất lượng, kích thích tiêu dùng, thì cơ sở lưu trú, điểm đến, phương tiện vận chuyển, nhà hàng, lữ hành cần chung tay và có sự điều tiết của Nhà nước để có mức giá thấp nhất. Ở các nước khác, họ có quỹ dự phòng bơm tiền cho các nhà cung ứng để giảm giá. Điều này không cá nhân doanh nghiệp nào làm được, mà cần sự vào cuộc điều tiết của Chính phủ.

Các chuyên gia, CEO ngành du lịch khẳng định, doanh nghiệp không trông đợi sự hỗ trợ, mà mong Nhà nước tiếp tục huy động toàn ngành, toàn dân chống dịch hiệu quả. Bởi chỉ khi Covid-19 được kiểm soát tốt và đẩy lùi, thì người dân mới có tâm lý đi du lịch. Và chỉ khi có khách hàng, doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển.

Tin bài liên quan