Hàng loạt dự án lớn khởi công và hoàn thành vào năm 2021, đặc biệt là Dự án Sân bay Long Thành sẽ là động lực góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2021 và những năm tiếp theo

Hàng loạt dự án lớn khởi công và hoàn thành vào năm 2021, đặc biệt là Dự án Sân bay Long Thành sẽ là động lực góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2021 và những năm tiếp theo

Năm 2021, dự báo tăng trưởng kinh tế từ 6,1% đến 6,7%

0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm 2021, GDP của Việt Nam tăng trưởng từ 6,1% đến 6,7%.

Tăng trưởng 6,1% trong tầm tay, 6,7% hơi khó

Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,1%, theo tính toán NCIF, thì khu vực nông nghiệp, nông nghiệp và thủy sản (khu vực 1) phải tăng 2,70%; công nghiệp và xây dựng (khu vực 2) tăng 6,64% và dịch vụ (khu vực 3) tăng 7,23% và CPI khoảng 3,9%.

Các mục tiêu tăng trưởng nêu trên được NCIF đặt ra ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục khi đại dịch Covid-19 dần được khống chế, một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản từ tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. Trong đó, tăng trưởng GDP của Mỹ giả định đạt 3%; Trung Quốc tăng 5%. Giá dầu giữ ở mức thấp, tương ứng năm 2020 (45 USD/thùng). Còn ở trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng 7%; đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục được duy trì.

“Đây là kịch bản khả năng xảy ra nhiều hơn”, NCIF dự báo.

Còn đối với kịch bản GDP tăng trưởng 6,7%. Theo NCIF tính toán thì khu vực 1 phải tăng 2,97%; khu vực 2 tăng 7,22% và khu vực 3 tăng 8,17% và CPI khoảng 4,2%. Kịch bản này, theo NCIF ít khả năng hơn nhưng cũng có khả năng xảy ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh khi dịch bệnh trên thế giới được khống chế. Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt khoảng 3,5%; Trung Quốc tăng trưởng 6%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021.

Khả năng GDP năm 2021 đạt 6,7%, theo NCIF là Việt Nam tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là 4 hiệp định vừa thực thi hoặc vừa được ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) và RCEPT (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) có sự tham gia của 3 đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhờ tận dụng được các hiệp định này, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước sẽ khởi sắc trở lại.

Khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2021 tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng đạt được năm 2020 (tăng 2,68%), tuy nhiên, đóng góp của khu vực này vào GDP chỉ vào khoảng 13,5-14,0% nên theo NCIF khu vực 1 khó có thể trở thành động lực hỗ trợ tăng trưởng khi nền kinh tế hồi phục; trong điều kiện nền kinh tế hồi phục sản xuất sẽ làm tăng nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, trạng thái xuất siêu cao như năm 2020 (xuất siêu 19,1 tỷ USD) khó có thể duy trì.

Năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm trong tổng mức tăng trưởng chung của nền kinh tê 2,91%. NCIF cho rằng, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế nhờ nhu cầu thế giới và trong nước trên đà hồi phục, dự báo tăng trưởng của nhóm ngành chế biến chế tạo sẽ đạt cao và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế.

Tăng trưởng 6,5% khả dĩ hơn

Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 vừa được Chính phủ thông qua đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6,5% (cao hơn so với chỉ tiêu của Quốc hội là 6%). Trong đó, khu vực 1 tăng 2,78%; khu vực 2 tăng 9% (trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng 11,06%), và khu vực 3 tăng 5,48%.

NCIF tin rằng nếu không đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% như dự kiến thì nhiều khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu phấn đấu của Chính phủ. “Tiếp tục chính sách hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công vào các công trình quy mô lớn, có sức lan tỏa lớn; niềm tin của người dân đang được củng cố. Những nỗ lực bộ máy mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đều có thể trở thành những động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2021”, NCIF nhận định.

Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, trong điều kiện bình thường , mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6% có thể nói là khiêm tốn, vì trên thực tế, hầu như năm nào Quốc hội cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% đến 7,0%.

“Tuy nhiên, “trong điều kiện bình thường mới”, mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho năm 2021 là phù hợp. Thậm chí, mục tiêu tăng trưởng 6,5% sẽ là thách thức không nhỏ bởi năm 2021 là năm khởi đầu của chu kỳ 5 năm kế hoạch kinh tế - xã hội mới 2021-2025 và thông thường sẽ được nhìn nhận là năm có tính khuyến khích, thúc đẩy, làm động lực cho các năm kế hoạch tiếp sau. Do đó, đánh giá, nhìn nhận các nguồn lực trong nước, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước một cách thực tế, khách quan, thẳng thắn để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 đã được Chính phủ và các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng 6,5%”, ông Hùng phát biểu.

Động lực tăng trưởng năm 2021, theo ông Hùng chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn đang được đầu tư, triển khai, nhiều doanh nghiệp ở các ngành sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt may; da giầy; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đang bước vào đà phục hồi

“Ngành xây dựng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020, với các dự án đường cao tốc đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2021, và đặc biệt là “đại dự án” Sân bay Long Thành vừa khởi công giai đoạn 1. Ngành sản xuất điện cũng là nhân tố góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khi nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hoàn thành với tổng công suất tăng thêm trên 6.200 MW”, ông Hùng chỉ ra các động lực tăng trưởng.

Ông Hùng dự báo các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ phi thị trưởng như y tế, giáo dục, quản lý nhà nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá trong năm 2021. Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như dịch vụ lưu trú ăn uống, vận tải, du lịch… sẽ được phục hồi trong năm 2021.

Tin bài liên quan