Năm 2021, BSR đạt sản lượng sản xuất 6,5 triệu tấn; doanh thu đạt 100.694 tỷ đồng, nộp NSNN 10.933 tỷ đồng và lợi nhuận vượt xa kế hoạch được giao.
BSR đã nghiêm túc phương án “3 tại chỗ” khi dịch bệnh bùng phát; duy trì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sản xuất an toàn, ổn định. Bên cạnh các giải pháp về dầu thô, kinh doanh sản phẩm và công tác tài chính, BSR đã nghiên cứu xử lý các vấn đề kỹ thuật phức tạp, giảm công suất xuống còn 70% trong tháng 8/2021 để đảm bảo vận hành liên tục, tránh tank-top sản phẩm và tránh nguy cơ phải dừng Nhà máy.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, BSR đã tham gia tích cực chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động với tổng số 158 sáng kiến đã đăng ký tham gia, đứng đầu các đơn vị trong Tập đoàn. Đặc biệt, cụm công trình: “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” đã được xem xét để công nhận giải thưởng Khoa học công nghệ cấp Nhà nước trong năm 2021.
Để đạt các thành công trên, BSR đã áp dụng linh hoạt các nhóm giải pháp như quản trị; an toàn và phòng chống dịch Covid; vận hành và bảo dưỡng sửa chữa; kinh doanh và thị trường; tài chính; cơ chế chính sách…
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn PVN Lê Mạnh Hùng, BSR đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu, hoạt động, hiệu quả của Tập đoàn. Về mặt doanh thu, BSR chiếm khoảng 16% trong cơ cấu tổng doanh thu của Tập đoàn; nộp ngân sách Nhà nước năm nay, BSR cũng chiếm khoảng gần 10%. Về mặt quản trị, Tập đoàn là cổ đông lớn tại BSR nên sẽ hết sức tạo điều kiện để BSR hoạt động hiệu quả, đem lại nhiều nguồn thu hơn cho đất nước.
Năm 2022, BSR tập trung cập nhật và xác định lại chiến lược phát triển; Nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp; Công tác kinh doanh thị trường; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển; Đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia, người quản lý thích ứng trong bối cảnh mới; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp.