Doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh
Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết, có đến 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm ngoái. Bao gồm 46.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%.
Như vậy, tổng số doanh nghiệp chờ phá sản và đã hoàn tất thủ tục phá sản lên đến 55.200 doanh nghiệp.
Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây.
Covid-19 làm đảo lộn mọi kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm cự, cắt giảm chi phí tối đa. Như hãng hàng không Vietjet, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet cho biết, Vietjet vẫn cố gắng duy trì việc làm cho 6.000 người lao động. Với chi phí nhân sự lớn hàng tháng, Vietjet đã giảm lương từ 50 - 70% đối với quản lý cấp cao và cấp trung, đồng thời chi trả mức thu nhập tối thiểu từ 8 - 10 triệu đồng đối với người lao động khác.
Du lịch quốc tế chưa hoạt động bình thường, các doanh nghiệp lữ hành lao đao |
Với doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh mảng inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và outbound (đưa khách Việt Nam du lịch nước ngoài) đều đã tạm ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp không cầm cự nổi.
Lãnh đạo một công ty du lịch tại Hà Nội chia sẻ làn sóng phá sản các doanh nghiệp du lịch đang diễn ra. Thống kê của Tổng cục Du lịch chỉ ra có tới 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động.
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục chưa được kiểm soát tốt, khách quốc tế chưa đến được Việt Nam thì đến tháng 3/2021 dự báo sẽ có một đợt phá sản nữa. Đây cũng là thời điểm báo cáo tài chính diễn ra ở các doanh nghiệp.
Trong khi doanh nghiệp phá sản tăng cao thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm. Tính chung cả năm 2020, cả nước có 134.900 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,3% so với năm ngoái.
Triển vọng lạc quan năm 2021
Nhìn ở động thái tích cực, tuy số lượng đăng ký giảm nhưng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm trước.
Nếu tính cả 3.341,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39.500 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5.577,6 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 44.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179.000 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2020 cho thấy: Có 40,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn quý III/2020; 24,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 34,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý I/2021 so với quý IV/2020, có 42,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.