Năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được NHNN tiếp tục định hướng 14%

Năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được NHNN tiếp tục định hướng 14%

(ĐTCK) “Chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng mức tăng trưởng tín dụng năm 2020, với tỷ lệ tín dụng trên GDP hơn 130%, NHNN tiếp tục định hướng kiểm soát tăng trưởng tín dụng, chỉ tiêu tăng trưởng được định hướng cân nhắc như năm 2019 (14%-PV). Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, NHNN tiếp tục tập trung kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực bất động sản…”, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam nhấn mạnh tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020.

Thông tin tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, ông Phạm Chí Quang, Vụ Phó Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, tính đến cuối năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% so với cuối năm 2018; thanh khoản hệ thống được đảm bảo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế. Về điều hành lãi suất, ông Quang đã tóm lược, từ ngày 16/09/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19/11/2019 giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. 

“Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Các TCTD có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019”, ông Quang thông tin.

Trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các tổ chức tín dụng bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được NHNN tiếp tục định hướng 14% ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam chủ trì họp báo; ông Phạm Chí Quang, Vụ Phó Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN phát biểu tại Họp báo

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, bà Hà Thu Giang, Vụ Phó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018. 

Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý. Ước đến 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.

Được biết, ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ước tính đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).

Tính trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đồng thời cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được NHNN tiếp tục định hướng 14% ảnh 2

Bà Hà Thu Giang, Vụ Phó Vụ Tín dụng phát biểu các ngành kinh tế, NHNN 

Trong lĩnh vực thanh toán, thông tin từ NHNN cho biết, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đồng thời NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng; triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Nhờ đó, TTKDTM tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong lĩnh vực thanh toán đã ứng dụng tất cả công nghệ mới trên thế giới (ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, Tokenization...), phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm và thu được kết quả ấn tượng.

Cụ thể, đến cuối tháng 10/2019, đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động. Trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 67% và trên 36%; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh toán qua QR Code tuy là hình thức thanh toán điện tử mới nhưng cũng đạt mức tăng trưởng khá.

Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt được chú trọng và phát huy hiệu quả. Trong thời gian qua NHNN chủ động xây dựng nội dung, chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”, cuộc thi “Hiều đúng về tiền”, qua đó tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, đồng thời khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tin bài liên quan