Năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm thành công của kinh tế Việt Nam

Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả bứt phá. Đây là nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước phát triển khả quan trong năm 2020. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã khẳng định điều này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thưa Thứ trưởng, năm 2020 vừa bắt đầu, với một khí thế mới. Khí thế này phải chăng bắt nguồn từ năm 2019 thành công của kinh tế Việt Nam?

Tôi nghĩ đúng là như vậy. Năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra, đạt 7,02%, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã được nâng lên 266 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.800 USD/năm.

Đây là con số rất có ý nghĩa. Ngoài con số này, có thể nhắc đến một số kết quả nổi bật khác của kinh tế Việt Nam năm 2019, đó là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân đạt 2,79%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra; thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng.

Ngoài ra, còn có thể kể đến dấu mốc trên 500 tỷ USD thương mại hàng hóa, xuất siêu gần 10 tỷ USD; dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD; nợ công giảm về 56% GDP, hay con số kỷ lục hơn 138.000 doanh nghiệp thành lập mới… Đây không chỉ là số lượng, mà chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng đã được cải thiện.

Có thể nói, năm bứt phá 2019, chúng ta đã thực sự đạt được những kết quả bứt phá mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: kinh tế toàn cầu và khu vực có xu hướng tăng trưởng chậm lại và diễn biến khó lường, căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng, giá cả hàng hóa biến động mạnh… Còn ở trong nước thì tình hình thiên tai, dịch bệnh và những tồn tại, hạn chế của nội tại của nền kinh tế đã tác động lớn đến sản xuất - kinh doanh, đầu tư, đến tăng trưởng kinh tế.

Điều gì đã giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu này, thưa Thứ trưởng?

Những thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cũng như sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, ban hành đồng thời hai nghị quyết số 01 và 02 về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, cũng như các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Khác với những năm trước, năm 2019, kịch bản tăng trưởng kinh tế đã được chủ động xây dựng và ban hành cùng với Nghị quyết số 01. Điều này giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm chủ động, quyết liệt trong điều hành, trong thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở mức 6,6 - 6,8%, nhưng Chính phủ quyết tâm đạt ở ngưỡng cao (6,8%). Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và khu vực, đây là một nhiệm vụ không dễ đạt được. Và thực tế là có những thời điểm, với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, chúng tôi cũng đã rất lo lắng đối với việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ này.

Nhưng vượt lên trên tất cả khó khăn, thách thức, từng quý, kịch bản kinh tế được cập nhật để chủ động điều hành. Từng diễn biến bất thường của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng được cập nhật thường xuyên. Giải ngân đầu tư công chậm, lo ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thì Thủ tướng có chỉ thị và thường xuyên chỉ đạo để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Và kết quả như hôm nay cho thấy, kinh tế Việt Nam đã có một năm thành công, khi lần thứ hai liên tiếp, cả 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tháng 10/2019, Chính phủ đã báo cáo Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV rằng, trong số 12 chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch. Nhưng đến nay, số chỉ tiêu vượt đã nâng lên thành 7, tăng thêm 2 chỉ tiêu so với con số đã báo cáo Quốc hội, nhất là 2 chỉ tiêu này lại là những chỉ tiêu rất quan trọng, là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Đặc biệt, chỉ tiêu tăng trưởng GDP thực sự đạt được rất ấn tượng. Đây là năm thứ hai liên tiếp, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trên 7%. Điều này thể hiện sự cố gắng, quyết tâm lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai khoáng, tăng trưởng tín dụng và từng bước chuyển hướng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Vậy còn năm 2020, nền kinh tế sẽ diễn biến theo hướng nào, thưa Thứ trưởng?

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Đây là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cũng rất nặng nề, không chỉ là hoàn thành các mục tiêu chiến lược này, mà quan trọng là làm sao để đặt nền tảng vững bền hơn cho sự phát triển của nền kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Năm 2020, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%. Đây là một con số hợp lý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước khó khăn. Mục tiêu này được đưa ra vừa bảo đảm được sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, đây cũng là cách Quốc hội “dành” dư địa để Chính phủ điều hành nền kinh tế theo hướng tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thay vì tăng trưởng cao bằng mọi giá. Chính phủ đã ngày càng coi trọng hơn các yếu tố chất lượng, tính bền vững, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên thực tế, khi dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô năm 2020, chúng tôi cũng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020. Và mục tiêu lớn hơn, không phải chỉ là đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, mà phải nỗ lực đưa nền kinh tế tiếp tục đạt được kết quả tích cực hơn như hai năm qua đã làm được.

Nhiệm vụ là nặng nề, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực được dự báo vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, căng thẳng địa chính trị, căng thẳng thương mại toàn cầu chứa đựng nhiều rủi ro; kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đang ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và cả mục tiêu tăng trưởng kinh tế…

Tuy nhiên, nhiệm vụ đã được giao thì khó khăn mấy cũng phải làm. Với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về điều hành kinh tế, chúng tôi tin tưởng rằng, nếu toàn hệ thống chính trị nỗ lực, trách nhiệm và hiệu quả, đúng như phương châm hành động của Chính phủ năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, thì nền kinh tế sẽ về đích năm 2020.

Nhưng quan trọng là giải pháp thực thi, thưa Thứ trưởng? Chúng ta sẽ thực hiện các giải pháp nào để thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển trong năm 2020?

Ngay sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, chúng tôi sẽ nhanh chóng hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 để trình Chính phủ thông qua, ký ban hành.

Trong Dự thảo Nghị quyết số 01 có 6 trọng tâm điều hành và 10 giải pháp đột phá được Chính phủ đặt ra trong năm 2020. Chẳng hạn, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh.

Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, trong đó có việc nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, thanh toán nợ đúng hạn, không để ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia trong năm 2020. Rồi đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, có kế hoạch nâng xếp hạng môi trường kinh doanh, công bố sách trắng doanh nghiệp; khuyến khích phát triển và tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn...

Với những giải pháp đồng bộ này, cộng thêm sự quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, trách nhiệm trong thực hiện, tin rằng, chúng ta sẽ tiếp tục có một năm 2020 thành công.

Tin bài liên quan