Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 2,7 tỷ USD với hơn 1,7 triệu tấn

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2020 nước ta xuất khẩu ước đạt trên 1,7 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 18% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê toàn cầu.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 2,7 tỷ USD với hơn 1,7 triệu tấn

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết, cà phê là ngành hàng rất quan trọng, một trong 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam và là 1 trong 6 sản phẩm có giá trị xuất khẩu hàng năm đạt trên 3 tỷ USD.

Hiện Việt Nam có trên 664.000ha cà phê, với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm. Trong đó cà phê Robusta chiếm 93% diện tích, cò lại là cà phê Arabica. Cà phê của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2020 nước ta xuất khẩu ước đạt trên 1,7 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 18% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê toàn cầu.

Tuy nhiên, trên thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam chỉ có tiếng về sản lượng còn về chất lượng chưa được thừa nhận, giá trị hạt cà phê của Việt Nam chưa được đánh giá cao. Nguyên nhân là do cà phê Việt Nam chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới; cơ cấu sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao vẫn còn thấp; xuất khẩu cà phê nhân chiếm đại đa số, chế biến sâu mới đạt 12%.

Để hỗ trợ ngành cà phê tăng giá trị, duy trì vị thế thứ hai thế giới về sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mai tự do Việt Nam-EU(EVFTA) và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017, đưa cà phê vào danh mục sản phẩm thuộc Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020.

Để thực hiện Chương trình này, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm Quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” tại quyết định số 4563/QĐ-BNN-KHCN.

Những năm qua, ngành cà phê có bước phát triển rất nhanh, bền vững và từng bước đi vào căn cơ hiệu quả hơn, đặc biệt sau khi Bộ NN-PTNT phê duyệt đề án tái canh cà phê. Với mục tiêu đến năm 2020 chúng ta đạt 120 ngàn ha cà phê được tái canh nhưng thực tế đã tái canh được 152 ngàn ha, bên cạnh đó chúng ta có gần 200 ngàn ha được chứng nhận.

Trong thời gian qua, cây cà phê được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và các Bộ, ngành. Ngoài Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, ngay khi Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào năm 2013 thì Bộ NNPTNT và Ngân hàng thế giới đã nhất chí đầu tư dự án Chuyển đổi bền vững VnSAT với nguồn vốn 300 triệu USD để tái cơ cấu ngành hàng cà phê và lúa gạo. Đến nay đạt được rất nhiều kết quả, giúp cho ngành cà phê phát triển bền vững hơn.

Tin bài liên quan