Năm 2020, Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) chấp nhận lỗ để chiếm lĩnh thị phần

Năm 2020, Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) chấp nhận lỗ để chiếm lĩnh thị phần

(ĐTCK) Sáng ngày 27/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (SII – HoSE) đã thông qua kế hoạch năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu 275 tỷ đồng, giảm 40% so với thực hiện 2019; lợi nhuận sau thuế âm gần 41 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 32,6 tỷ đồng.

Lý giải về kế hoạch lợi nhuận âm, HĐQT của SII cho biết, kể từ năm 2020 Công ty sẽ không còn được ghi nhận khoản hỗ trợ từ TP.HCM. Trước đó, trong 3 năm (từ 2017-2019), SII đều nhận được khoản hỗ trợ không hoàn lại hàng năm là 200 tỷ đồng của UBND TP.HCM cho dự án nhà máy nước Củ Chi.

Trong khi đó, lợi nhuận của các CTCP Đầu tư nước Tân Hiệp; Gia Lai, Dankia và BOO không đủ bù đắp các khoản lỗ từ dự án Củ Chi và SG-Pleiku nên kết quả hoạt động kinh doanh dự kiến sẽ bị lỗ.

Tuy nhiên, SII cũng đưa ra 3 giải pháp chính để khắc phục những khó khăn về sản xuất cũng như tài chính.

Đầu tiên là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của các dự án và các công ty thành viên, đặc biệt là dự án nước Củ Chi.

Đối với dự án Củ Chi, SII sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng của thành phố và ban quản lý của các khu công nghiệp trên địa bàn để thúc đẩy việc chuyển từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nước mặt của Công ty cung cấp.

Đối với CTCP Cấp nước Sài Gòn – Dankia thực hiện tăng sản lượng tiếp nhận của CTCP Cấp nước Lâm Đồng từ 25.000 m3/ngày đêm lên 27.000 m3/ngày đêm. Đồng thời, CTCP Đầu tư nước Tân Hiệp dự kiến tăng sản lượng lên 300.000 m3/ngày đêm từ quý III/2020.

Giải pháp thứ hai là giải quyết các nghĩa vụ tài chính thông qua việc khai thác các tài sản hiện có và tìm kiếm các nguồn tài chính như tái cấu trúc danh mục đầu tư, thu hồi các tài sản đang thế chấp tại ngân hàng.

Thứ ba là tiết giảm các chi phí quản lý doanh nghiệp và tỷ lệ thất thoát nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thành - Tổng giám đốc SII cho biết, tuy dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng, gây thiệt hại đến hoạt động của Công ty, nhưng tất cả đều nằm trong kế hoạch của ban lãnh đạo.

Ông Thành nhấn mạnh thêm, năm nay Công ty chấp nhận lỗ vì những dự án đang thực hiện đều là cho chiến lược trung và dài hạn.

Ví dụ như dự án Củ Chi dự kiến kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2020 bởi vùng này đa phần là các hộ gia đình, chưa có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp kinh doanh, mà giá bán nước cho các hộ gia đình do nhà nước quy định là 6.000 đồng/m3, trong khi giá thành đã là 4.910 đồng/m3, cộng với các chi phí khác nữa thì Công ty không có lãi.

Tuy nhiên, SII vẫn kiên trì tiếp tục đầu tư vào vùng này, cố gắng trở thành nhà cung cấp hạ tầng nước sạch duy nhất, bởi theo ông Thành đây là một dự án dài hạn đáng đầu tư với niềm tin vùng này sẽ trở thành khu công nghiệp trong thời gian tới.

Cổ phiếu SII trên thị trường thường xuyên giao dịch ảm đạm với thanh khoản èo uột, có lẽ do cổ đông quá cô đặc với 3 cổ đông lớn nhất nắm tới 99,51%/vốn.

Phiên sáng nay 28/4, cổ phiếu SII tăng lên gần mức giá trần +6,7% lên 20.700 đồng, nhưng chỉ có 10 đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan