Đất nền là kênh đầu tư ưu tiên
Thế mạnh của đất nền không chỉ xuất phát từ tính bảo toàn giá trị, mà còn do gắn liền với tiềm năng phát triển trong tương lai. Việc đầu tư vào đất nền không phải lúc nào cũng có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận cao ngay lập tức, nhưng nhà đầu tư luôn cho rằng, khả năng bị lỗ thường thấp nhất trong các phân khúc bất động sản nếu họ đầu tư bằng vốn tự có.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, năm 2019, trong khi thị trường chung cư trầm lắng, thì đất nền lại “chiếm sóng” thị trường, nhất là tại các thị trường vùng ven như Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… ở phía Nam, hay Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên… ở phía Bắc. Tùy vào vị trí, diện tích, nhưng mức giá chào bán tại nhiều dự án dao động trên dưới 1 tỷ đồng/nền, vừa túi tiền với nhiều nhà đầu tư.
Ông Trần Tiến Anh, Tổng giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Thành Công Land, đơn vị đang phân phối một số dự án đất nền tại Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Bắc Ninh, Thái Nguyên cho biết, so với đầu tư vào phân khúc chung cư hay nghỉ dưỡng, đất nền nếu mua bằng tiền tươi thóc thật thì yên tâm "ôm", rất ít giảm, mà chỉ có tăng. Do đó, nhà đầu tư luôn có xu hướng bỏ tiền vào đất nền.
"Có nhiều khách hàng đặt ra mục tiêu phải mua cho bằng được một hoặc nhiều mảnh đất và xem đó như là thành tựu để đời. Ngoài ra, với nhiều người dân, đất đai là một tài sản lớn, có thể để lại cho nhiều thế hệ mai sau (tính thừa kế). Vì vậy, đất nền luôn nhận được sự quan tâm hơn so với các phân khúc khác", ông Tiến Anh nói và cho biết, trong năm 2019, dù thị trường có nhiều biến động, nhưng dòng tiền vào phân khúc đất nền vẫn khá ổn định.
Đơn cử, tại dự án Khu đô thị Xuân Hòa, thuộc khu liên cơ của TP. Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) - một trong những dự án lớn nhất tại TP. Phúc Yên, ngay khi công bố ra thị trường đã có nhiều khách hàng đăng ký đặt chỗ.
Không chỉ dự án Khu đô thị Xuân Hòa, ngay khi Phúc Yên được nâng cấp lên thành phố cuối năm 2018, thị trường bất động sản ở đấy (chủ yếu là đất nền) đã lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư, giá cũng liên tục được đẩy lên cao. Thậm chí, có những lô đất đẹp nằm ở trục đường lớn giá tăng tới 100 - 300 triệu đồng/lô chỉ sau vài ngày. Khách mua chủ yếu là nhà đầu tư Hà Nội, dân địa phương và một số nhà đầu tư từ Bắc Ninh.
Đồng quan điểm, theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Sàn giao dịch Thanh Tùng Land, khi thị trường bất động sản tại các địa bàn lớn gặp khó khăn do quỹ đất hẹp, thủ tục cấp phép bị siết, thì thị trường bất động sản tỉnh lẻ lại tăng tốc, thu hút nhiều nhà phát triển lớn và các nhà đầu tư thứ cấp dịch chuyển về.
Do phần lớn người mua đất nền ở các tỉnh vùng ven là nhà đầu tư, nên các giao dịch thường diễn ra nhanh chóng, người mua không mất nhiều thời gian tìm hiểu, soi xét kỹ như khi mua nhà xây sẵn.
"Đặt tương quan so sánh với các phân khúc gắn liền với đất ở khác như liền kề, biệt thự, nhà phố, rõ ràng, đất nền đang là mặt hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của đối tượng nhà đầu tư. Với mức giá dưới 1 tỷ đồng/nền, những nhà đầu tư có nguồn vốn eo hẹp hoặc mới tham gia vào thị trường đều có thể tham gia. Chính vì mức vốn bỏ ra không quá lớn, lại có tính thanh khoản cao, nên đất nền vẫn là kênh đầu tư ưa thích của nhiều nhà đầu tư. Trong khi đó, dòng sản phẩm liền kề, biệt thự, nhà phố có giá trị cao, nên kén nhà đầu tư, tính thanh khoản kém linh hoạt hơn", ông Tùng cho biết.
Sẽ tiếp tục phát triển, nhưng cẩn trọng
Báo cáo về triển vọng thị trường bất động sản năm 2020 của Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực từng quy hoạch thành đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín và giá cả phù hợp.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho cho rằng, thời gian vừa qua, thị trường ghi nhận những cơn sốt đất ở các khu vực có điều chỉnh quy hoạch, giá đất có tăng. Việc tăng giá này theo xu thế tăng của thị trường. Đối với các khu vực như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, sốt đất trước đó là do định hướng quy hoạch phát triển lên đặc khu của Chính phủ. Hiện tại, dù kế hoạch này hoãn lại, nhưng giá đất vẫn tăng là bởi kinh tế nói chung, kinh tế biển của các khu vực này nói riêng đều đang có dư địa phát triển tốt.
Tuy nhiên, ông Ninh cũng lưu ý, thời gian gần đây đã có không ít nhà đầu tư “sập bẫy” khi vội vàng đầu tư mà không tìm hiểu rõ thông tin. Những chiêu lừa bán đất nền hiện nay tuy không mới, nhưng ngày càng tinh vi. Chính những sự cố xảy ra trong năm 2019 sẽ khiến dân đầu tư đất nền cảnh tỉnh hơn trong năm 2020.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, lợi dụng cơn sốt, nhiều doanh nghiệp đã thi nhau gom đất lập dự án phân lô bán nền và kéo theo đó là nhiều nhà đầu tư lao theo cơn sốt, trong đó có không ít là nhà đầu tư nghiệp dư với mong muốn làm giàu nhanh. Tuy nhiên, khi cơn sốt đi qua, nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt, mua phải đất không thể làm sổ đỏ, thậm chí tiền mất, tật mang do mua phải dự án ma.
"Đây là điều mà các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý và phải sáng suốt hơn trong các quyết định đầu tư để tránh gặp rủi ro với phân khúc đất nền. Đầu tư đất nền không dành cho những tay mơ, mà dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người thực sự am hiểu về thị trường và biết đón nhận cơ hội đầu tư thực sự", ông Đính chia sẻ thêm.
Còn ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills Việt Nam đưa ra quan điểm, đất nền là sản phẩm đầu tư dài hạn, khi quyết định đầu tư, các nhà đầu tư hãy mua và quên nó đi. Nhà đầu tư chỉ nên đầu tư vào phân khúc này khi có dòng tiền ổn định và xác định đầu tư trung, dài hạn. Trước khi đầu tư, nên tìm hiểu quy hoạch, pháp lý và tính khả thi của dự án. Những giấy tờ pháp lý như quyết định 1/500, chấp thuận đầu tư, giấy phép xây dựng, sổ đỏ… cần được xem xét kỹ.