Về sản lượng chế biến, Công ty dự kiến đạt 7.800 tấn mủ khai thác, 1.000 tấn mủ thu mua và 1.000 tấn mủ chế biến gia công. Giá thành bình quân khoảng 29,5 triệu đồng/tấn. Về sản lượng tiêu thụ, năm 2020, TRC ước đạt 6.580 tấn nội tiêu và 2.520 tấn xuất khẩu. Giá thành bán bình quân ước khoảng 31,5 triệu đồng/tấn.
Kết thúc năm 2019, Cao su Tây Ninh ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 334 tỷ đồng, giảm 5,5% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt gần 99 tỷ đồng, giảm 31,27%; lợi nhuận sau thuế đạt 83,4 tỷ đồng, giảm 30,52% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản TRC tăng 1,7 % so với 2018, đạt 1.936 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 5,3 % chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho; còn tài sản dài hạn tăng 3,8 %, chủ yếu đến từ chi phí xây dựng dở dang (tăng 13 tỷ đồng, tương đương 1,3 %) và chi phí trả trước dài hạn (tăng 19 tỷ đồng, tương đương 59,4%).
Bên cạnh đó, Cao su Tây Ninh dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 18% cho cổ đông, trong khi trước đó trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 HĐQT công ty đặt mục tiêu chi trả cổ tức năm 2019 tối thiểu ở mức 15%.
Những nội dung trên sẽ được HĐQT Công ty trình bày tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 4/2020, tai Văn phòng Công ty, số 79, Quốc lộ 22B, ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Thời điểm chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội dự kiến ngày 3/4 tới đây.
Trên thị trường, cổ phiếu TRC đang hồi phục sau những phiên giảm khá sâu trong nửa đầu tháng 3. Trong phiên sáng nay 17/3, TRC tăng 6,6%, tạm đứng tại mức giá 27.500 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn nhỏ giọt với chỉ 100 đơn vị được khớp lệnh. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá cổ phiếu TRC vẫn giảm hơn 16%.