Một số chỉ tiêu kinh doanh khác như tổng tài sản tăng hơn 16% lên 158.000 tỷ đồng. Tổng huy động tăng 20% lên 142.309 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 21,14% lên 102.790 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Mới đây, TPBank đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động quý I với tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 1.886 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với quý I/2018. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ.
Tính đến hết 31/3/2019, tổng tài sản của TPBank đạt gần 140 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2018. Vốn chủ sở hữu đạt 11,3 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,37%.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Tiên Phong (Công ty AMC) với vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Theo ngân hàng, trong thời gian tới hoạt động tín dụng sẽ tiếp tục được mở rộng, mặc dù tỷ lệ nợ xấu của TPBank vẫn được kiểm soát ở mức thấp nhưng số lượng nợ khó thu hồi có thể tăng lên và các khoản nợ đọng này cần được xử lý nhanh chóng, dứt điểm để đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2% theo mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, HĐQT trình phương án tìm kiếm, mua lại toàn bộ 100% vốn của các cổ đông của Công ty tài chính để trở thành công ty con của TPBank hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, dự kiến thực hiện trong năm 2019.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018, TPBank ghi nhận tổng huy động 118.591 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,42% so với năm trước và vượt 3,02% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 2.258 tỷ đồng, tăng 87,23% so với năm trước và vượt 2,64% kế hoạch. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 20,874%, tăng 5,2%. Tỷ lệ nợ xấu 1,1%.
Đồng thời, TPBank sẽ không chia cổ tức năm 2018 và sẽ dùng lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh năm 2019.
Trên sàn chứng khoán, trong phiên sáng 16/4, sau khi mở cửa khởi sắc, cổ phiếu TPB đã đảo chiều giảm trở lại với mức giảm 1,3%, tạm đứng tại mức giá 22.150 đồng/CP với khối lượng khớp 241.710 đơn vị.