Theo TS Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, áp lực lạm phát giảm bớt khi giá dầu thế giới được dự báo không biến động, đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá là những yếu tố để dự báo mặt bằng lãi suất có thể giữ ổn định.
Cùng với mặt bằng lãi suất, năm 2019, áp lực lên tỷ giá cũng được nhìn nhận không quá lớn bởi các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo.
Cụ thể, khả năng USD sẽ suy yếu hơn. Theo dự báo của Citigroup, USD index có thể giảm giá 2% trong 2 đến 12 tháng tới. Lạm phát tổng thể có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá dầu thế giới có xu hướng giảm. Đây là các yếu tố tích cực giúp chính sách tỷ giá chủ động hơn để tiến dần đến điểm cân bằng ngang giá tiền tệ.
Theo đại diện Ngân hàng nhà nước, năm 2019, tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức 14%, dòng vốn ngân hàng vào bất động sản, chứng khoán tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất ở các ngành ưu tiên.
Về tín dụng ngoại tệ, năm 2019 sẽ cắt giảm tương đối mạnh nhu cầu vay ngoại tệ chỉ có xuất khẩu và vay ngắn hạn mới có thể được vay ngoại tệ.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng OCB cho rằng, việc giảm tốc tăng trưởng tín dụng sẽ buộc các ngân hàng thương mại phải thay đổi chiến lược kinh doanh để không quá tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn đảm bảo mở rộng thị phần tăng trưởng lợi nhuận bằng nhiều dịch vụ khác nhau.
Đối với chính sách tín dụng của OCB trong năm 2019, ông Tùng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay năm vẫn giữ như năm 2018, không có nhiều biến động nhưng sự phân biệt lãi suất giữa các đối tượng doanh nghiệp khác nhau sẽ rất rõ rệt dựa theo mức độ rủi ro của mỗi doanh nghiệp. Chính vì thế, sẽ có doanh nghiệp được vay với lãi suất 6% nhưng sẽ có doanh nghiệp phải vay với mức lãi suất 11%.