M&A giữa các doanh nghiệp nội lên ngôi
Nhìn nhận về thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua, ông Lê Xuân Hoàn, Tổng giám đốc Việt Nam của Tập đoàn Kangaroo cho rằng, thị trường này có nhiều biến động, với điểm nhấn là làn sóng M&A diễn ra mạnh mẽ. Theo ông Hoàn, sự gia nhập của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại giúp thị trường sôi động hơn, đồng thời buộc các nhà bán lẻ trong nước phải chuyển mình để tồn tại.
Thực tế, nhiều tên tuổi trong ngành bán lẻ Việt Nam như Big C, Nguyễn Kim, Sabeco… đã về tay người Thái. Hai năm trước, Central Group - một tập đoàn bán lẻ của Thái Lan thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Chirathivat, đã mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD, sau đó mua tiếp 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Đến nay, Central Group đã thiết lập tại Việt Nam 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử và 13 siêu thị.
Không chỉ doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội cũng đẩy mạnh hoạt động M&A trong lĩnh vực này, điển hình là câu chuyện của Fivimart và Trần Anh. Trước khi được Tập đoàn Vingroup mua lại, thương hiệu Fivimart của CTCP Nhất Nam đã có 10 năm hoạt động với chuỗi 23 siêu thị ở những vị trí trung tâm, từng hợp tác với Tập đoàn Aeon của Nhật trong 4 năm...
Theo thông tin từ VinComerce - công ty quản lý mảng bán lẻ của Vingroup, thương vụ này nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị Vinmart và 4.000 cửa hàng VinMart + vào năm 2020 của Tập đoàn.
Với việc Thế giới di động mua lại chuỗi 34 siêu thị điện máy của Trần Anh, nhiều ý kiến cho rằng sẽ giúp Thế giới di động "phủ sóng" rộng hơn nữa mạng lưới hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty, bản chất của thương vụ này không phải để mở thêm các cửa hàng của thương hiệu Trần Anh, mà bởi vì những ưu điểm riêng của thương hiệu này. Hiện nay, thương hiệu Điện máy Trần Anh đã được thay thế và vận hành theo mô hình Điện máy xanh.
Sự vươn lên của những doanh nghiệp bán lẻ nội cùng câu chuyện “cá lớn nuốt cá bé” là tiêu điểm của ngành bán lẻ Việt Nam năm 2018. Trên thị trường, Fivimart là thương hiệu đã khẳng định được tên tuổi, nhưng vẫn phải “bán mình” cho ông lớn như Vingroup trong cuộc đua tồn tại.
Theo Sở Công thương TP. HCM, kênh bán lẻ hiện đại đang đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài và các nhà bán lẻ trong nước cũng hiểu rõ sức ép này, nên nguy cơ bị thâu tóm đã được tính tới. Cơ quan này cho rằng, xu hướng thương mại hóa toàn cầu là một trong những nguyên nhân tác động đến sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam.
"TP. HCM đã kêu gọi các hộ kinh doanh bán lẻ truyền thống hoạt động chưa hiệu quả nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại. Bởi theo quy hoạch, đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ trong các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn Thành phố phải đạt tối thiểu 40%, tăng dần lên 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030", cơ quan trên cho biết.
Tiếp tục bứt phá trong 2019
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập khả dụng và mức sống ngày càng tăng đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á.
"Tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam đang tăng nhanh và được dự báo sẽ tăng trưởng gấp đôi trong giai đoạn 2014-2020 so với giai đoạn trước đó. Đây chính là khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ”, ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.
Về tiềm năng thị trường, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam cho hay, Việt Nam đang nằm trong Top 5 thị trường bán lẻ cạnh tranh nhất hiện nay và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà bán lẻ thế giới.
"Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đã thâm nhập vào Việt Nam từ sớm và chủ yếu khai thác thị trường ở phân khúc siêu thị, đại siêu thị. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, những doanh nghiệp này đang đẩy mạnh mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini", ông Hoàng nói.
Còn theo bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc Đối tác nhà bán lẻ của Nielsen, thị trường bán lẻ Việt Nam có tính đặc thù, khi kênh bán lẻ truyền thống tuy chiếm tới 76%, nhưng tốc độ tăng trưởng rất chậm, chỉ 1%. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại mới chiếm 26% thị phần, nhưng đang tăng trưởng 2 con số, ở mức 11,8%.
"Xu hướng bán lẻ trong tương lai sẽ được định hình theo nhu cầu về sự tiện lợi, sự cao cấp hóa để nâng tầm đời sống, kết nối người tiêu dùng... Đây là điều mà các nhà sản xuất cũng như bán lẻ cần phải nắm bắt để làm hài lòng khách hàng", bà Trang nói.