Theo báo cáo thường niên, năm 2018, MTP đã thoái vốn tại CTCP Dược phẩm Tenamyd và sáp nhập CTCP Liên doanh Dược Medipharco-Tenamyd BR. Sau sáp nhập, cùng với phát hành cổ phiếu, hiện vốn điều lệ Công ty tăng lên 65,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2018, tổng giá trị tài sản của Công ty lại giảm 24,59% so với năm 2017, xuống còn 466 tỷ đồng.
Nguyên nhân tổng giá trị tài sản giảm là do số dư phải thu khách hàng cuối năm 2018 là 186,5 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn chưa đòi là 158 triệu đồng. Công ty đã trích lập dự phòng nợ khó đòi là 133 triệu đồng.
MTP cũng cho biết, năm 2018, vốn điều lệ tăng nhưng nguồn vốn chủ sở hữu so với nhu cầu sản xuất, kinh doanh rất thấp. Do đó, hoạt động Công ty chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng (chiếm 80%). Trong khi đó, các đơn vị khám chữa bệnh nợ tiền mua hàng kéo dài, gây áp lực lớn đối với nguồn vốn công ty.
Tại thời điểm 31/12/2018, nợ ngắn hạn là 401,7 tỷ đồng chiếm 98% tổng nợ phải trả, chủ yếu là nợ phải trả người bán và nợ vay ngân hàng ngắn hạn.
Cũng theo báo cáo tài chính 2018, năm qua, MTP đạt doanh thu bán hàng 990 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 37,32% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 36,65% so với năm trước. Tuy nhiên, cổ tức giảm hơn 53%, chỉ còn 7%.
Năm 2019, MTP đặt kế hoạch doanh thu kinh doanh là 900 tỷ đồng; sản xuất là 180 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 12,5 tỷ đồng; sau thuế 10 tỷ đồng; cổ tức 10%.
Trên thị trường UPCoM, giá cổ phiếu MTP ở mức 12.500 đồng, nhưng "chết" thanh khoản khi trong 51 phiên giao dịch vừa qua, mã này chỉ có 3 phiên có thanh khoản với tổng giao dịch chỉ trên dưới 1.000 đơn vị mỗi phiên.