Theo VGCB, năm 2019 ghi nhận 13 dự án mới đăng ký áp dụng Lotus, tương đương số lượng năm 2018, và sụt giảm khá mạnh so với năm 2017 - năm đột phá khi đạt 18 dự án (trong khi các năm 2014, 2015, 2016, số đự án đăng ký lần lượt chỉ là 1, 3, 5 dự án).
Năm 2019, mặc dù số lượng dự án nhóm này giảm, nhưng tổng diện tích sàn đăng ký lại tăng mạnh do sự trở lại của nhóm công trình công nghiệp (nhà máy). Trong đó, có thể kể đến một số dự án có quy mô lớn như: dự án Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH (Hà Nội): 57.680 m2; dự án Trường phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway - Tây Hồ Tây (Hà Nội): 39.127 m2; dự án nhà máy của Vietsun Hoàng Mai (Nghệ An): 20.058 m2; dự án nhà máy của TNG Đông Hỷ (Thái Nguyên): 15.369 m2
Ngoài ra, có một só dự án thuộc phân khúc chung cư, văn phòng cũng có quy mô lớn, có thể kể đến như: dự án chung cư Diamond Lotus Rome (TP.HCM): 73.349 m2; dự án tòa nhà văn phòng Five Star Trường Chinh (Hà Nội): 8.904 m2.
Tính cả giai đoạn từ 2010 - 2019, cả nước có 25 dự án đã đạt chứng nhận Lotus, 39 dự án đang triển khai.
Đánh giá về thực trạng phát triển công trình xanh tại Việt Nam, ông Đặng Thành Long, Giám đốc điều hành VGBC cho rằng, về cơ bản, công trình xanh vẫn là một phần rất nhỏ của thị trường, mặc dù các giải pháp công trình xanh đã nằm trong khả năng về tài chính và kỹ thuật của nhiều dự án.
"Tâm lý ngại thay đổi và thiếu động lực thay đổi vẫn là bài toán chính", ông Long nhấn mạnh.