Tại Đại hội, ông Lê Quang Định, Tổng giám đốc CAV chia sẻ khó khăn nhất hiện tại của công ty là cạnh tranh về giá.
“Nhiều sản phẩm dây cáp điện ngoài thị trường không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng lại không được quản lý chặt chẽ, người dùng khó nhận biết chất lượng, trong khi sản phẩm của CAV lại chú trọng vào chất lượng, và như vậy dễ hiểu là giá thành sẽ cao hơn. Ngoài ra, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây hiện tượng hàng Trung Quốc tràn vào, khiến sự cạnh tranh càng mạnh”.
Mặc dù vậy, chiến lược 2019 của Ban giám đốc là CAV sẽ duy trì và giữ vững thị trường nền trong nước thông qua kênh đại lý, điều chỉnh quy chế bán hàng, giá bán phù hợp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác bán hàng, phát triển thị trường thông qua việc tổ chức hoạt động marketing để nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách hàng.
Ở thị trường xuất khẩu (chiếm tỷ trọng 6,5% tổng doanh thu), CAV sẽ tập trung phát triển thị trường mới Australia, nhận đơn hàng đối với thị trường Mỹ, Myanmar, Campuchia và kết nối lại với thị trường Philippines.
Trong năm 2019, ông Định cho biết các dự án trọng điểm gồm CADIVI Tower, sản xuất cáp siêu nhiệt, mở rộng nâng cao năng lực sản xuất CADIVI Đồng Nai và một số dự án tại khu tổ hợp Long Thành (di dời từ KHC Biên Hòa), chuyên môn hóa sản phẩm cáp trung thế…
Để thực hiện các mục tiêu kinh doanh theo kế hoạch, HĐQT định hướng sẽ tiếp tục hoàn thành công tác xây dựng các nhà máy, giúp tăng nguồn cung vì hiện tại nhu cầu vẫn còn rất lớn.
Về định hướng đầu tư, chia sẻ với phóng viên báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CAV cho biết: “Tổng đầu tư năm 2019 khoảng 1.000 tỷ đồng cho nhà máy Sài Gòn và khu tổ hợp nhà máy Long Thành diện tích 6,5 ha”.
“Nhưng CAV sẽ dùng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay, không cần GELEX hỗ trợ vốn. Dự kiến các dự án đang được triển khai sẽ hoàn thành trong tháng 10/2019. Mặt khác, năng lực sản xuất được nâng cao thì doanh thu trong 2020 dự kiến tăng 20% so với 2019, lợi nhuận tăng trưởng ở mức thấp hơn do khấu hao ban đầu”.
Trong phần thảo luận tại Đại hội, cổ đông Hồ Văn Châu thắc mắc về lý do lợi nhuận 2019 lại đặt giảm 9,7% so với thực hiện năm trước. Ông Tuấn cho biết, năm 2018, CAV có khoản thanh lý tài sản và doanh thu từ hoạt động tài chính nên lợi nhuận tăng trưởng đột biến. Còn trong năm 2019, kế hoạch lợi nhuận dựa trên cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp, chưa tính thêm lợi nhuận từ các hoạt động khác.
Về việc đầu tư trái phiếu, cổ đông lo ngại CAV đang được nhà nước cho vay ưu đãi chỉ hơn 5% nhưng lại dùng tiền đi vay để đầu tư trái phiếu lãi suất cao lấy lợi nhuận là không hay.
Ông Tuấn giải thích, việc được ưu đãi lãi suất vay vì CAV được đánh giá có lợi thế về nguồn lực khả năng thanh toán tốt, CAV cũng không vay ngân hàng nhà nước, mà là ngân hàng nước ngoài có liên quan đến hợp đồng kinh doanh với các đối tác của CAV.
Theo báo cáo của Ban kiểm soát, năm 2018, CAV đầu tư tài chính tổng cộng 517 tỷ đồng. Trong đó, 422 tỷ đồng vào các trái phiếu kỳ hạn 2-4 năm với lãi suất 9,5-10,5%/năm và 95 tỷ đồng được gửi với kỳ hạn từ 3-12 tháng có lãi suất từ 5,5-7%/năm.
Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính hợp nhất 2018, CAV đang vay ngắn hạn 682 tỷ đồng với lãi suất từ 5,2-5,8%, vay dài hạn 229,6 tỷ đồng với lãi suất 6,7-8,75%.
Đại hội thông qua việc cổ tức tỷ lệ 50% bằng tiền mặt. Với phương án này, khoản cổ tức mà Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX nhận được là là 270 tỷ đồng (công ty đang nắm 93,83% vốn góp tại CAV).