Theo ông, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 10 tháng qua có gì đáng chú ý?
Điểm đáng mừng là tăng trưởng kinh tế từ đầu năm 2017 đến nay không đến từ các giải pháp kích cầu ngắn hạn. Các giải pháp kích cầu ngắn hạn như đẩy nhanh giải ngân tín dụng chắc chắn không kịp thúc đẩy tăng trưởng của năm nay, không những vậy tiềm ẩn những rủi ro rất lớn về lạm phát và nhập siêu.
Chúng tôi đã liên tục nêu ra quan điểm cần phải thay đổi tư duy kích cầu bằng tư duy kích cung. Trong các giải pháp kích cung, chúng tôi nhấn mạnh việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cùng với đó là sự hỗ trợ tối đa từ cơ quan nhà nước từ việc tạo lập chính sách cho đến trực tiếp hỗ trợ sản xuất và tiếp thị sản phẩm.
Một số tín hiệu trong năm 2017 đang tạo nên niềm tin rằng, các chính sách phát triển kinh tế Việt Nam đi đúng hướng và vì vậy tăng trưởng của các năm tiếp theo sẽ tiếp tục ở mức cao.
Ông vừa chia sẻ với nhiều nhà đầu tư quốc tế rằng, kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể tăng trưởng ở mức 7%. Cơ sở nào cho nhận định này thưa ông?
Nếu không tính khai khoáng, tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm nay là 7,5% và rất có thể tăng trưởng cả năm sẽ còn cao hơn mức này. Năm 2017, sản lượng khai thác dầu thô giảm xấp xỉ 11% do chúng ta chủ động giảm sản lượng khi giá dầu giảm.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh.
Với giá dầu đã đi vào ổn định, tăng nhẹ so với đầu năm, việc giảm sản lượng không còn cần thiết mà có thể giữ nguyên hoặc thậm chí tăng nhẹ (sản lượng dầu thô đã giảm 2 năm liên tiếp cùng với đà giảm của giá dầu).
Cộng hưởng từ giá và sản lượng, ngành khai khoáng hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng dương, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP nói chung vào năm 2018.
Ngành nông nghiệp có tỷ trọng lớn trong tổng GDP, nhưng thường xuyên tăng trưởng thấp quanh mức 2%, nên muốn có tăng trưởng GDP cao, không thể không thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Nhìn vào cơ cấu nông nghiệp thì có thể thấy rau quả đang dần trở thành mặt hàng mũi nhọn với giá trị xuất khẩu cả năm có thể đạt 3,2 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2016.
Cơ chế cho phép tích tụ ruộng đất và định hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang mở ra hướng đi mới và giải phóng tiềm năng sản xuất nông nghiệp rất lớn. Chính sách mới mở ra kỳ vọng về một mục tiêu cao cho ngành nông nghiệp, với mức tăng trưởng 5%, tương đương ngành thủy sản, từ đó thúc đẩy sự thay đổi trong ngành nông nghiệp diễn ra nhanh hơn.
Năm 2018, nếu như 2 ngành kéo lùi tăng trưởng nêu trên được thúc đẩy tăng mạnh trở lại, việc nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 7% là hoàn toàn có thể trong bối cảnh ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có tỷ trọng lớn nhất trong GDP dự kiến sẽ tăng trên 10% năm nay.
Trong dự cảm về năm 2018, đâu là những điểm thách thức, theo ông?
Ngành công nghiệp đang phụ thuộc rất nhiều vào sản phẩm điện thoại và nhiều khả năng tăng trưởng của sản phẩm này năm 2018 sẽ không cao được như 2017.
Trong ngành dịch vụ thì bán buôn, bán lẻ và tài chính ngân hàng là hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, ở đây cần một nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát và lãi suất thấp mới tạo cơ hội cho nền kinh tế có tăng trưởng cao.
Đây là những điểm thách thức chính. Tuy nhiên, trong khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã tìm ra lối đi với đích tăng trưởng 6,7% năm 2017 đã rất gần. Trên nền tảng này, tôi tin rằng, năm 2018, nền kinh tế sẽ có bước tăng trưởng khả quan hơn.
Nhiều ý kiến gần đây nói đến câu chuyện không chỉ là tăng trưởng, mà phải là tăng trưởng bền vững. Thực tế, có rất nhiều hướng tiếp cận và nhiều việc phải làm nếu hướng đến mục tiêu này. Một cách ngắn gọn nhất, ở phía cầu chúng ta cần duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng, kiềm chế lạm phát để giảm dần lãi suất.
Ở phía cung, cần tiếp tục chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện tối đa để phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn. Tôi rất đồng tình quan điểm phát triển “đàn sếu lớn”, bởi chỉ có các doanh nghiệp mạnh mới tạo ra các sản phẩm cạnh tranh thắng trên sân nhà và vươn dần ra thế giới.
Trong bức tranh chung của nền kinh tế, ông dự cảm như thế nào về TTCK năm 2018?
TTCK Việt Nam đang lớn rất nhanh về quy mô, nên sự sôi động cũng như cơ hội đầu tư sẽ ngày càng rộng mở. Từ mức tỷ trọng vốn hóa 35% GDP vào năm 2015 đến nay, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam đã đạt quy mô 65% GDP và có thể sẽ tương đương 100% GDP trong tương lai gần.
Quy mô TTCK tăng là một điểm hấp dẫn dòng vốn ngoại. Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng khá mạnh trên TTCK, với tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp tăng khoảng 47% kể từ đầu năm.
Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng là điểm tích cực. TTCK Việt Nam được MSCI xếp vào danh sách ưu tiên cho việc nâng hạng thị trường và có thể được nâng hạng vào cuối năm 2019. Kỳ vọng nâng hạng sẽ giúp cho vốn ngoại ở lại Việt Nam và có thể sẽ gia tăng đầu tư trong các năm tới.