Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc, đây là yếu tố rất quan trọng quyết định triển vọng phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam, sau một năm 2017 thăng hoa.
Các yếu tố vĩ mô đều rất thuận lợi cho thị trường chứng khoán, như cung tiền dồi dào, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, hàng hóa ngày càng đa dạng và chất lượng hàng hóa được nâng cao, đặc biệt là những nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy thị trường thăng hạng từ nhóm cận biên lên thị trường mới nổi.
Chiến lược đầu tư trung hạn cũng có lợi hơn việc “lướt sóng” nhiều cổ phiếu
Thị trường chứng khoán là chỉ báo về niềm tin, sự kỳ vọng của giới đầu tư vào nền kinh tế, vì vậy, môi trường vĩ mô ổn định và đang tích cực lên sẽ là động lực bền vững cho sự phát triển của thị trường. Việc cổ phần hóa và niêm yết của các công ty nhà nước hay nỗ lực tư nhân hóa dần các doanh nghiệp lớn đầu ngành sẽ tiếp tục là ngòi nổ cho sự phát triển của thị trường trong năm tới.
Tại các cuộc hội thảo, gặp gỡ nhà đầu tư trong và ngoài nước, giới đầu tư vẫn nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Khả năng làn sóng đầu tư đón đầu việc thị trường Việt Nam được nâng hạng xuất hiện. Với các lý do trên, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục có một năm tăng trưởng ấn tượng và chỉ số VN-Index có thể ghi nhận những kỷ lục mới.
Bà Nguyễn Ngọc Lan
Trong bối cảnh chung tích cực như vậy, nhóm ngành tài chính, ngân hàng được hưởng lợi trực tiếp từ sự hồi phục của nền kinh tế và thị trường bất động sản cũng như quá trình xử lý nợ xấu được thúc đẩy, nhiều ngân hàng bắt đầu ghi nhận sự bứt phá trong kết quả kinh doanh năm qua. Xu hướng tăng trưởng của ngành ngân hàng theo tôi chỉ mới vào giai đoạn bứt tốc và trong các năm tới mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục kích thích cả tín dụng tiêu dùng lẫn tín dụng doanh nghiệp.
Ngoài ngành ngân hàng, chúng tôi cũng đánh giá cao các nhóm ngành bất động sản, xây dựng, thép, hàng không, hàng tiêu dùng và bán lẻ. Nhóm dầu khí, hóa chất và một số nhóm ngành vật liệu xây dựng (ngoài thép) cũng có cơ sở tăng trưởng tốt.
Cụ thể, dư địa phát triển thị trường bất động sản còn rộng và những bước chuẩn bị của các doanh nghiệp bất động sản lớn có thể tạo nên triển vọng sáng cho ngành này năm 2018 và các năm tiếp theo. Các ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, công nghệ, hóa chất vẫn còn nhiều cổ phiếu để nhà đầu tư lựa chọn đầu tư.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết sẽ thu hút dòng tiền trong năm 2018. Thanh khoản thị trường kỳ vọng sẽ phá kỷ lục 12.000 tỷ đồng/phiên.
Nhìn lại năm 2017, đà tăng mạnh của chỉ số chứng khoán được chi phối bởi các cổ phiếu của các doanh nghiệp có quy mô lớn, có vị thế đầu ngành, hiệu quả kinh doanh tốt. Điều này chứng tỏ “khẩu vị” của nhà đầu tư đã theo hướng bền vững hơn. Nhiều khả năng, xu hướng này tiếp diễn trong năm nay. Tôi tin, việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu trụ này sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả cao.
Chiến lược đầu tư trung hạn cũng có lợi hơn việc “lướt sóng” nhiều cổ phiếu. Bởi thị trường thực chất trong thời gian qua chỉ tăng điểm luân phiên trong một vài nhóm cổ phiếu chính và có sự quay vòng. Vì vậy, việc nắm giữ đúng cổ phiếu sẽ cho hiệu quả cao nhất.