Vấn đề phát triển bền vững ngày nay được xem như là tiêu chí đầu tư quan trọng, qua đó các doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị công ty mới được nằm trong danh mục đầu tư của các quỹ.
Những cổ phiếu đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững được kỳ vọng sẽ tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh các giá trị do công ty mang lại cho nền kinh tế - xã hội. Không chỉ các quỹ đầu tư mà cả các định chế tài chính cũng quan tâm đến hiệu suất và các tiêu chí đánh giá, lựa chọn của chỉ số VNSI.
Trong năm 2018, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục cùng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hoàn thiện các tiêu chí đánh giá này, hướng đến áp dụng các thông lệ quốc tế tốt.
Sau gần nửa năm ra mắt, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng khá nóng trong giai đoạn cuối năm 2017, tính đến ngày 29/12/2017, VNSI đạt 1.256,41 điểm, tăng 25,6% so với ngày 21/7/2017 (ngày giá trị cơ sở là 1.000 điểm), trong khi mức tăng trưởng của VN-Index là 29,5%.
Giá trị VNSI tại ngày 30/1/2018 là 1.391 điểm.
Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ số VNSI có mức tăng trưởng thấp hơn, nhưng điều này cho thấy mức độ ổn định của các cổ phiếu thuộc danh mục VNSI cao hơn. Mức tăng trưởng và độ biến động của loại chỉ số bền vững thường được các nhà đầu tư đánh giá trong trung và dài hạn.
Về thanh khoản, chỉ số VNSI có giá trị giao dịch bình quân hàng ngày tính đến 29/12/2017 đạt gần 1.300 tỷ đồng, tương ứng khoảng 28% toàn thị trường. Tương tự, mỗi cổ phiếu thuộc danh mục VNSI có giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 60 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với giá trị giao dịch bình quân 13,5 tỷ đồng của các cổ phiếu khác trên thị trường.
Việc hoàn thiện chỉ số là bắt buộc, đặc biệt là đối với những chỉ số mới và được quan tâm ngày càng nhiều như VNSI. Các tiêu chí sử dụng trong việc sàng lọc cổ phiếu cho chỉ số VNSI kỳ tháng 7/2017 được xây dựng dựa trên các thông lệ tốt nhất hiện nay trên thế giới như Chuẩn báo cáo toàn cầu - GRI, Bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn này cho việc đánh giá bền vững tại doanh nghiệp cần những điều chỉnh nhất định để phù hợp với thực tế Việt Nam.
Trong năm 2017 vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP và Thông tư 95/2017/TT-BTC, đây là các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng và tổ chức niêm yết, nâng cao tính khách quan, minh bạch trong hoạt động quản trị công ty. Trong khi đó, yếu tố quản trị công ty chiếm tỷ trọng cao nhất của các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững của HOSE, riêng ngành tài chính là 60% bên cạnh 30% cho phần trách nhiệm xã hội và 10% cho phần tác động môi trường.
Công tác đánh giá và hoàn thiện bộ tiêu chí sẽ được thực hiện định kỳ hàng năm và có lấy ý kiến các thành viên thị trường vào giữa quý I.
Bộ tiêu chí sẽ được công bố, hướng dẫn rộng rãi cho các doanh nghiệp niêm yết trước khi tiến hành thu thập dữ liệu để đánh giá bền vững. Kết quả đánh giá bằng bộ tiêu chí này sẽ được một đơn vị kiểm toán độc lập soát xét (tại kỳ 2017 là PwC Việt Nam) và là cơ sở để lựa chọn các cổ phiếu cho danh mục VNSI.
Việc liên tục cập nhật, sửa đổi bộ tiêu chí đánh giá sẽ góp phần nâng cao tính đại diện và khách quan cho chỉ số VNSI, nhằm cung cấp một công cụ tham chiếu hiệu quả cho những nhà đầu tư hướng đến những giá trị ổn định, bền vững.
Sau khi kết thúc kỳ đánh giá của năm 2017, HOSE đã tổng hợp đánh giá để gửi đến các doanh nghiệp tham gia trả lời Bảng khảo sát, giúp doanh nghiệp có thêm thông tin tham khảo và cải thiện các khung chính sách, quản lý và đo lường các hiệu suất về quản trị tác động môi trường, xã hội gắn liền với hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như chất lượng quản trị công ty tại doanh nghiệp.
Nhìn chung, các doanh nghiệp tham gia đánh giá đáp ứng hầu hết các tiêu chí theo luật định, các phần khuyến nghị của HOSE chủ yếu liên quan đến các tiêu chí nâng cao được xây dựng theo thông lệ quốc tế. Cụ thể, đa số doanh nghiệp sản xuất có ban hành các chính sách và hệ thống quản lý tác động môi trường, xã hội nhưng lại không cụ thể hóa số liệu và không cung cấp được thông tin đầy đủ như kỳ vọng.
Riêng mảng quản trị công ty, hầu hết doanh nghiệp đều đáp ứng các quy định hiện hành. Các khuyến nghị liên quan đến mảng này chủ yếu là khuyến nghị tổ chức các tiểu ban trực thuộc hội đồng quản trị và tính độc lập của các tiểu ban.
Ngoài ra, có một điểm đáng lưu ý là các quy trình về kiểm soát xung đột lợi ích chưa rõ ràng, một số doanh nghiệp không làm rõ được quy trình xác định giao dịch bên liên quan và phương thức thông qua các giao dịch đó.
Qua đây, HOSE kỳ vọng, các công ty sẽ ban hành các chính sách phù hợp, cải thiện được các phần còn yếu kém trong công tác quản trị các vấn đề về phát triển bền vững.