Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy về cơ bản các tổ chức tín dụng đã chấp hành các quy định của pháp luật, tập trung thực thực hiện các giải pháp cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và Đề án 1058; đầu tư, cho vay các lĩnh vực có hiệu quả, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp, khách hàng quan tâm hơn đến công tác kiểm tra, kiểm soát nộ bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các bộ phận, đơn vị và cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Tú cho biết, hoạt động của các tổ chức tín dụng còn một số tồn tại, hạn chế, vi phạm và rủi ro tiềm ẩn mang tính phổ biến trong một số hoạt động như: cấp tín dụng, phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro, huy động vốn, quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đảm bảo tỷ lệ, giới hạn an toàn…
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trên cơ sở các sai phạm được phát hiện, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 149 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt là 10,67 tỷ đồng (số tiền đã thu là 10,23 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức trung gian thanh toán và đã phát hiện một số tồn tại, vi phạm.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 13 kiến nghị yêu cầu khắc phục và ban hành 06 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 520 triệu đồng.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra 9.810 kiến nghị, yêu cầu tổ chức tín dụng khắc phục. Đến nay, đã có 6.371 kiến nghị được thực hiện. Các kiến nghị đang chỉnh sửa, khắc phục chủ yếu là các kiến nghị liên quan đến công tác xử lý nợ xấu do khách hàng có khó khăn về tài chính nên chưa thu hồi được nợ, hoặc do kết luận thanh tra mới ban hành nên tổ chức tín dụng đang trong quá trình thực hiện kiến nghị.
Kết quả thực hiện, xử lý sau thanh tra của các tổ chức tín dụng được gắn với việc xem xét cấp phép mở rộng mạng lưới và cung ứng dịch vụ ngân hàng mới của các tổ chức tín dụng …
Tuy vậy, Phó Thống đốc Tú nhận định: “Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục, xử lý trong thời gian tới.
Cụ thể: Hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng còn nhiều tồn tại, bất cập về nguồn lực và công nghệ, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động nên công tác phát hiện các rủi ro, vi phạm còn hạn chế; Chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát còn phụ thuộc nhiều vào báo cáo của đối tượng giám sát; Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan với Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống rửa tiền chưa thực sự kịp thời và chặt chẽ”.