Năm 2018, EVN giảm đầu tư xây dựng hàng chục nghàn tỷ đồng

Năm 2018, EVN giảm đầu tư xây dựng hàng chục nghàn tỷ đồng

Trong kế hoạch năm 2018, phần đầu tư xây dựng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu với 117.842 tỷ đồng. So với giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN năm 2017 là 130.934 tỷ đồng hay 134.858 tỷ đồng của năm 2016, không khó khăn để nhận ra sự giảm sút.

Năm 2018, EVN đặt kế hoạch tăng trưởng về điện thương phẩm là 9,5% so với năm 2017 với con số tuyệt đối là 190,54 tỷ kWh.

Đây cũng là năm đầu tiên trong chuỗi hơn chục năm vừa qua, EVN đưa ra kế hoạch tăng trưởng điện thương phẩm dưới 2 con số.

Dự báo tăng trưởng điện thương phẩm của năm 2018 với mức 9,5% này được EVN nêu ra trong điều kiện, tăng trưởng điện thương phẩm chỉ đạt 8,92% trong năm 2017.

Điểm đáng chú ý là trong năm 2018, EVN lên kế hoạch đưa thêm vào 760 MW nguồn điện mới từ hai dự án là Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (660 MW) và thủy điện Sông Bung 2 (2x50 MW).

Đây cũng là con số rất khiêm tốn nếu so với thực tế hoàn thành đưa vào phát điện 9 tổ máy với tổng công suất 2.135MW trong năm 2017, cao hơn tới 500 MW so kế hoạch được đặt ra chỉ có 1.635MW.

Tuy nhiên, ngay cả năm 2019, các nguồn điện mới mà EVN đếm được để đưa vào vận hành mới cũng chỉ ở quanh mức 600-700 MW.

Theo tính toán của các chuyên gia, để đảm bảo mức tăng trưởng điện ở 10%, mỗi năm cần có thêm khoảng 4.000 – 5.000 MW nguồn điện mới.

Với thực tế đầu tư hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn từ nguồn vay ODA hoặc cần có bảo lãnh Chính phủ, EVN cũng đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương chỉ đạo chủ đầu tư các các dự án nguồn điện ngoài EVN đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện theo Qui hoạch điện VII điều chỉnh.

Trong phần kiến nghị cho kế hoạch hoạt động của năm 2018, đã không thấy EVN đề nghị việc Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho EVN và các đơn vị thuộc EVN vay vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng các công trình điện như từng đưa ra năm 2017.

Tuy nhiên, đáng chú ý là EVN tiếp tục đề nghị sớm phê duyệt Kế hoạch 5 năm 2016-2020 của Tập đoàn và sớm phê duyệt cơ chế đặc thù trong quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách. Đây là 2 đề nghị đã từng được EVN đưa ra cách đây đúng 1 năm, khi chuẩn bị bước vào thực hiện nhiệm vụ của năm 2017.

Năm

Tăng trưởng điện thương phẩm

2007
13,92%
2008
12,82%
2009
13,48%
2010
14,50%
2011
10,49%
2012
11,43%
2013
9,3%
2014
11,58%
2015
11,70%
2016
11,21%
2017
8,92%
2018 (kế hoạch)
9,5%
Tin bài liên quan