Theo đó, năm 2018, RBC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất gần 575 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 5% so với thực hiện năm 2017.
Ông Minh cho biết, năm 2018, Công ty sẽ tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp cao su để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, RBC sẽ đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới lại quy trình sản xuất phù hợp với đơn hàng “đồ chơi cho thú cưng” để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ của đơn vị Tam Hiệp. Tổng vốn đầu tư xây lắp và thiết bị dự kiến năm 2018 khoảng 19 tỷ đồng.
Về ngành gỗ, RBC tập trung phát triển gỗ tinh chế với mục tiêu đạt 2.000 m3 trong năm 2018, tăng 40% so với thực hiện năm 2017. Theo đó, bên cạnh việc duy trì khách hàng truyền thống, Công ty sẽ tích cực tìm kiếm đơn hàng nước ngoài.
Ngoài ra, ngay trong năm nay, Công ty sẽ quyết thoái vốn bằng mọi hình thức tại 3 đơn vị gồm CTCP Thương mại Dịch vụ và Du lịch cao su (2,7 tỷ đồng), CTCP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu Cao su (1,5 tỷ đồng) và CTCP Phát triển đô thị và KCN Cao su Việt Nam (1,5 tỷ đồng) do việc đầu tư không hiệu quả, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng.
Năm 2017 vừa qua, RBC đạt 510 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 3,7 tỷ đồng, tăng 30%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 31/12/2017 Công ty vẫn còn lỗ lũy kế 5,68 tỷ đồng.
Từ năm 2017 cho đến nay, cổ phiếu RBC đều đứng ở mức 14.600 đồng/cổ phiếu và trắng thanh khoản do cổ đông của RBC quá cô đặc khi Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam, công ty mẹ của RBC nắm gần 70% vốn, Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai nắm 13,45% vốn, Ngân hàng TMCP Phương Đông nắm 3,36% vốn cùng nhiều lãnh đạo công ty cũng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu RBC.