Số liệu thống kê của tháng 2/2016 chưa được công bố và nếu có, chắc cũng không có nhiều đột biến, bởi đây là tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nên không chỉ vốn đăng ký mà cả vốn giải ngân đều có thể sẽ chững lại. Song những tín hiệu tích cực đầu năm khiến dư luận kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm thành công trong thu hút FDI, đặc biệt là giải ngân dòng vốn này.
"Khi hàng loạt FTA có hiệu lực và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết, hoàn toàn có thể kỳ vọng, vốn FDI giải ngân sẽ tăng mạnh."
Năm 2015, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI giải ngân đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014. Đây là mức giải ngân kỷ lục mà theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là “chưa bao giờ Việt Nam đạt được”. Những năm trước đây, mức giải ngân vốn FDI chỉ xoay quanh ngưỡng 11 - 12 tỷ USD/năm.
Trong bối cảnh vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam trong năm nay, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và đặc biệt là đầu tháng 2/2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết, hoàn toàn có thể kỳ vọng, vốn FDI giải ngân cũng tăng lên tương ứng.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 1/2016, vốn FDI giải ngân đạt 800 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2015. Một mức tăng ấn tượng và có thể là một động thái tích cực đầu năm, báo hiệu một năm 2016 “đầu xuôi đuôi lọt” đối với giải ngân vốn FDI.
Tại nhiều địa phương trong cả nước, nhiều dự án FDI đang tiếp tục được khởi công và đẩy nhanh tiến độ triển khai. Chẳng hạn, cuối tháng 1/2016, tức là vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, Schneider Electric đã chính thức khởi công xây dựng giai đoạn I của nhà máy mới đặt tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (Saigon High-Tech Park - SHTP) tại TP. HCM.
Với vốn đầu tư 45 triệu USD, Schneider Electric dự kiến biến dự án này trở thành một trong những trung tâm sản xuất chính cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn. Với kế hoạch đưa nhà máy vào hoạt động trong cuối năm 2016 này, có nghĩa, một nguồn vốn đầu tư khá lớn sẽ được đưa vào giải ngân.
Trong khi đó, trong kế hoạch đầu tư của Công ty TNHH Maple (Singapore), nhà đầu tư vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai dự án may mặc với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD tại Bắc Ninh; hay của Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Hàn Quốc), có dự án sản xuất tai nghe, dây kết nối với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD tại Bắc Giang, thì họ cũng sẽ nhanh chóng triển khai dự án ngay trong năm nay để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu Maple là để đón đầu các cơ hội do TPP mang lại, thì New Wing tiếp tục “ngóng” tới nhu cầu mua linh kiện của nhà sản xuất thiết bị di động hàng đầu thế giới hiện đang có mặt tại Việt Nam - Samsung.
"Năm 2015, khoản giải ngân của riêng hai dự án là Liên hợp Gang thép Formosa Hà Tĩnh, vốn đầu tư 10,5 tỷ USD và Dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã lên tới hàng tỷ USD"
Thông tin cho biết, năm nay, có thể, một loạt dự án FDI quy mô lớn cũng sẽ được khởi công xây dựng. Điển hình là Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam), vốn đầu tư 4 tỷ USD; hay Dự án Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên), vốn đầu tư 3,2 tỷ USD...
Ngoài ra, theo thông tin của phóng viên, sự tăng tốc triển khai của các dự án của Samsung TP. HCM, mới tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD, hay Samsung Display, đã tăng vốn từ 1 tỷ USD lên 4 tỷ USD, rồi Lọc hóa dầu Nghi Sơn... được kỳ vọng sẽ đóng góp một ngân khoản không nhỏ cho vốn FDI giải ngân trong năm 2016.
Cũng cần phải nhắc lại một điều rằng, việc vốn FDI giải ngân trong năm 2015 đạt kết quả cao như vậy là nhờ hàng loạt dự án quy mô lớn đã được cấp tập triển khai trong năm qua. Trong đó, hai dự án được nhắc tới nhiều nhất là Liên hợp Gang thép Formosa Hà Tĩnh, vốn đầu tư 10,5 tỷ USD và Dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT)...
Năm 2015, Formosa đã tăng tốc xây dựng, nhập thiết bị để đến ngày 25/12/2015, đã cho ra cuộn thép cán nóng đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu của dự án FDI quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Cũng trong năm 2015, Formosa đã đưa Tổ máy phát điện đốt than số 1 của Dự án đi vào hoạt động.
Trong khi đó, Samsung - sau quyết định đầu tư thêm 3 tỷ USD ở Thái Nguyên vào cuối tháng 11/2014, để nâng tổng vốn đầu tư tại tỉnh này lên 5 tỷ USD, đã cấp tập xây nhà xưởng mới, nhập khẩu máy móc để ngay trong quý I/2015 đã chính thức sản xuất dòng điện thoại di động vỏ kim loại ở Việt Nam.
Số liệu không chính thức được công bố, song nhiều thông tin cho biết, chỉ riêng khoản giải ngân của hai dự án này đã lên tới hàng tỷ USD trong năm 2015. Nhờ thế, kỷ lục giải ngân FDI đã được thiết lập trong năm ngoái.
Khi kỷ lục mới được thiết lập thì kỳ vọng mới cũng được đặt ra. Song con số 14,5 tỷ USD của năm ngoái cũng là áp lực cho mục tiêu giải ngân vốn FDI của năm nay. Sẽ không dễ đạt được bởi chưa có nhiều hứa hẹn về việc cấp tập triển khai các dự án lớn trong năm nay. Bởi vậy, sẽ phải có một sự nỗ lực không nhỏ, không phải chỉ từ các nhà đầu tư, mà quan trọng là từ các địa phương trong tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án tại Việt Nam.