Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá là phân khúc phát triển mạnh trong năm 2016

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá là phân khúc phát triển mạnh trong năm 2016

Năm 2016, M&A bất động sản tiếp tục sôi động

(ĐTCK) Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch Keller Williams Commercial Northern Việt Nam cho rằng, trong năm 2016, thị trường bất động sản tiếp tục sôi động các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).

Ông đánh giá thế nào về thị trường bất động sản năm 2015?

Năm qua, thị trường bất động sản phát triển rất ấn tượng, sự khởi sắc diễn ra trên hầu hết các phân khúc, từ nhà ở, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, đến các loại hình bất động sản thương mại. Sự khởi sắc này thể hiện ở sự gia tăng giao dịch thành công và nguồn cung mới phong phú, cấu trúc sản phẩm đa dạng.

Mảng bán lẻ phát triển khá sôi động với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà bán lẻ nội địa và quốc tế trong chuỗi cửa hàng tiện ích. Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực này, với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, điển hình như thượng vụ Metro chuyển nhượng Metro Việt Nam cho Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan với giá trị 655 triệu EUR, tương đương khoảng 710 triệu USD.

Tham gia vào thị trường bán lẻ, bên cạnh các trung tâm thương mại, thì nhà phố thương mại đời mới đang thu hút mạnh mẽ cả thị trường cho thuê và đầu tư. Trong khi đó, văn phòng cho thuê cũng đã có bước phát triển ổn định trong năm 2015.

Ông Phạm Hải Đăng
 

Nói về M&A, theo ông, năm 2016, hoạt động này có diễn ra mạnh như năm ngoái không, khi thị trường thực sự hồi phục và nguồn vốn sẵn đến nỗi doanh nghiệp nào có đất cũng có thể làm dự án?

Theo phân tích của chúng tôi, hoạt động M&A phát triển trong năm 2015 là do các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trong và ngoài nước nhìn thấy tiềm năng sinh lời của thị trường. Bên cạnh đó, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam đang đem đến cho hoạt động M&A nhiều cơ hội mới.

Tôi tin rằng, hoạt động M&A vẫn sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2016, đặc biệt là thương vụ có sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Phân khúc này được dự đoán sẽ phát triển mạnh trong năm 2016. Để phát triển loại hình này, không chỉ cần một sự am hiểu về địa bàn, mà còn cần trường vốn và kiến thức, kỹ năng quản lý bài bản. Ở điểm này, các đại gia bất động sản lớn trên thế giới sẽ có ưu thế hơn.

Không chỉ phân khúc cần vốn lớn như bất động sản nghỉ dưỡng, năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng rót vốn vào các doanh nghiệp phát triển dự án căn hộ nhằm tận dụng sự am hiểu thị trường, quỹ đất và kênh phân phối của các doanh nghiệp nội. Theo ông, năm 2016, xu hướng này có còn tiếp diễn, hay nhà đầu tư ngoại sẽ tự bỏ vốn phát triển dự án riêng. Theo quan điểm cá nhân của ông, phương án nào hiệu quả hơn?

Theo tôi, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam vẫn sẽ là chủ đạo. Sự kết hợp này có thể tận dụng lợi thế am hiểu địa phương và thói quen của người tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam và lượng vốn lớn, cũng như đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm quản lý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa ký kết và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chưa hiệu lực, ông đã nói về những cơ hội mà TPP và AEC mang lại. Giờ đây, những cơ hội này sẽ thể hiện như thế nào và đi kèm với đó là những thách thức gì, thưa ông?

TPP và AEC là cơ hội tốt của thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường bất động sản bán lẻ. Chúng không chỉ tác động để loại bỏ các rào cản thương mại, hàng rào thuế quan…, mà còn tác động vào thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân.

Theo quan sát của chúng tôi, trong những năm vừa qua, hầu hết các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng đều đã có mặt ở Việt Nam như Lotte, Aeon… Bán lẻ chuyển từ phân phối sang phát triển chuỗi sẽ là cơ hội rất lớn của việc quản lý và cho thuê mặt bằng bán lẻ trong năm 2016.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển bán lẻ với hình thức mới này sẽ tạo ra một vài thách thức, đặc biệt khi có sự tham gia của các ông lớn trong ngành bán lẻ trên thế giới. Các nhà đầu tư, hộ kinh doanh bán lẻ Việt Nam cũng cần một sự chuẩn bị phù hợp và đầy đủ để có thể cạnh tranh với các đại gia trên thế giới, tránh bị sa vào bẫy đầu tư theo phong trào.

Thế còn tác động của các chính sách mới như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi như thế nào, thưa ông?

Các chính sách mới đã có những tác động tích cực lên thị trường. Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi với việc nới lỏng điều kiện sở hữu nhà ở và kinh doanh bất động sản cho Việt kiều, người nước ngoài đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư ngoại vào thị trường.

Trong năm 2015, Việt Nam đã thu hút được gần 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư thị trường bất động sản. Không chỉ các quỹ đầu tư lớn trong khu vực và trên thế giới như Vina Capital, Dragon Capital, Goldman Sachs …, mà những tập đoàn lớn như Lotte, Creed Group cũng không ngừng rót tiền vào địa ốc Việt Nam.

Với bối cảnh như vậy, theo ông, triển vọng của thị trường năm 2016 như thế nào và cơ hội nào cho những nhà môi giới bất động sản?

Theo những phân tích của chúng tôi, năm 2016 là một năm đầy tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam. AEC chính thức khởi động, cùng với những điều chỉnh tích cực của hệ thống pháp lý hỗ trợ đầu tư, thì hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục sôi động; nhu cầu quản lý và cho thuê mặt bằng bán lẻ cũng sẽ tăng cao; bất động sản nghỉ dưỡng cũng có nhiều tiềm năng phát triển.

Về phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, trong năm vừa qua, chúng ta có thể thấy sự phát triển đột biến ở phân khúc này, như Dự án Sonasea Villas & Resort của CEO Group, Vinpearl Resort & Villas của Vingroup…

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá là thị trường có tính ổn định về giá trị và có mức sinh lời khá ấn tượng từ 8 - 10%/năm. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển du lịch của Việt Nam khá ấn tượng cũng là một yếu tố để thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài rót tiền đầu tư loại hình bất động sản này.

Tin bài liên quan