Tuy nhiên, do điều kiện thị trường chưa được thuận lợi, nên kế hoạch này tiếp tục bị trì hoãn, thậm chí còn bị hủy bỏ ở một số nhà băng.
Tại VPBank, câu chuyện niêm yết cổ phiếu tiếp tục được cổ đông nhắc đến trong kỳ ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng vừa diễn ra. Trả lời cổ đông về vấn đề này, HĐQT VPBank cam kết sẽ hoàn tất thủ tục để niêm yết cổ phiếu của VPBank trên sàn UPCoM trong năm 2016. VPBank cho biết, đang xúc tiến các thủ tục để lên sàn và hiện đang chờ hướng dẫn của UBCK.
Theo quy định, đến hết năm 2016, các ngân hàng buộc phải niêm yết cổ phiếu trên UPCoM, trong khi không bắt buộc niêm yết trên HOSE hay HNX. Do đó, không chỉ VPBank, mà hầu hết các ngân hàng chưa niêm yết sẽ phải tuân thủ quy định này.
Điều này cũng được ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB chia sẻ bên lề ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 14/4/2016. Ông Tuấn cho biết, OCB sẽ xem xét điều kiện thị trường thuận lợi để đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM trước, sau đó sẽ niêm yết trên sàn chính thức. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho hay, nếu điều kiện thị trường chưa thực sự thuận lợi, thì việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chưa hẳn thành công. Bởi thực tế, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng hiện nay đang giao dịch trên thị trường OTC và cả UPCoM vẫn dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Đó cũng là lý do vì sao Nam A Bank, năm 2015, đã trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung, cụ thể là sàn HOSE, nhằm nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tìm kiếm cơ hội huy động vốn qua TTCK. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường chưa thuận lợi, cổ phiếu ngân hàng chưa thật sự được quan tâm, nên Nam A Bank chưa niêm yết cổ phiếu, cho dù đại hội đã ủy quyền cho HĐQT Ngân hàng chủ động trong việc niêm yết.
“Năm 2015, HĐQT đã thực hiện nghị quyết ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT triển khai kế hoạch này. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường không cho phép, hoạt động của ngành còn những khó khăn nhất định nên chưa thu hút được nhà đầu tư. Vì thế, Nam A Bank chưa niêm yết cổ phiếu trên TTCK chính thức. HĐQT Nam A Bank tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án niêm yết trên TTCK chính thức trong năm nay nếu thị trường thuận lợi”, ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank trả lời chất vấn của cổ đông trong kỳ ĐHCĐ thường niên 2016 ngày 15/4 vừa qua.
Ngoài ra, có không ít ngân hàng chưa thể thực hiện được kế hoạch niêm yết do điều kiện bất khả kháng. DongA Bank là một điển hình. Trước khi rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, nhà băng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng trong năm 2015 và tiến đến việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung, với dự kiến lúc đó là sàn HOSE. Đồng thời, DongA Bank còn có tham vọng sẽ thu hút vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán chính thức. Thế nhưng, DongA Bank “bỗng dưng” rơi vào tình trạng khó khăn và bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015, cho nên mọi kế hoạch đều dừng lại.
Cổ phiếu của DongA Bank cũng rớt từ mức giá trên mệnh giá (10.000 đồng/CP) xuống dưới mệnh giá và cổ đông không được phép chuyển nhượng. Đến nay, tình hình hoạt động của DongA Bank đang dần ổn định trở lại, nhưng vẫn bị kiểm soát đặc biệt bởi NHNN.
Có thể nói, DongA Bank là trường hợp đặc biệt, song bên cạnh đó, cũng không ít nhà băng đã trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch niêm yết trong nhiều kỳ đại hội thường niên, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Hai nhà băng SCB và OCB từng cho hay, sẽ sớm niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung nếu điều kiện thị trường và việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài gặp thuận lợi. Tuy nhiên, kế hoạch hoạch đã phải tạm hoãn cũng do tình hình thị trường không suôn sẻ. Cổ đông sốt ruột và thúc HĐQT các nhà băng sớm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán để nâng cao tính thanh khoản và minh bạch thông tin, nhưng việc niêm yết luôn được cân nhắc kỹ lưỡng.
Trong khi đó, với những ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức như ACB (sàn HNX), cổ đông lại kỳ vọng nhà băng này sớm chuyển sang niêm yết trên HOSE. Trả lời cổ đông tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2016, HĐQT ACB cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển sàn là chưa cần thiết, quan trọng hơn là làm thế nào để đẩy mạnh phát triển hoạt động của Ngân hàng và đem lại được nguồn lợi tức cao hơn cho các cổ đông. ACB chia cổ tức năm 2015 ở mức hơn 10% bằng cổ phiếu và lãnh đạo nhà băng này cho biết, sẽ cố gắng nâng lên trong năm nay.