Vốn điều lệ của VDB là 30.000 tỷ đồng

Vốn điều lệ của VDB là 30.000 tỷ đồng

Năm 2016, dự kiến Thanh tra Chính phủ sẽ vào VDB

(ĐTCK)  Trong Kế hoạch thanh tra năm 2016 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng phê duyệt, có việc thanh tra Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Cuộc thanh tra này nằm trong kế hoạch thanh tra dự phòng.

Trong Kế hoạch thanh tra năm 2016 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng phê duyệt, có việc thanh tra Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Cuộc thanh tra này nằm trong kế hoạch thanh tra dự phòng.

Là một ngân hàng chính sách, với mục tiêu hỗ trợ đầu tư phát triển, VDB có nhiều ưu thế trong hoạt động. VDB được cấp vốn từ ngân sách, không phải tìm kiếm nguồn huy động, cũng không phải lo tìm kiếm khách hàng cho vay, được hưởng nhiều ưu đãi khác về bảo hiểm tiền gửi hay nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Những đặc thù này nhằm tạo ra kênh tài chính hỗ trợ cho đầu tư, sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nhiều năm qua, VDB đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát số tiền lớn của Nhà nước, khiến cho mục tiêu hỗ trợ phát triển bị hạn chế.

Đơn cử như vụ án xảy ra tại VDB Minh Hải mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng đầu năm nay. Các lãnh đạo và cán bộ chi nhánh này đã vi phạm nhiều quy định về cho vay trong hoạt động ngân hàng, dẫn đến 7 DN đã làm hồ sơ khống vay vốn, rồi không trả được nợ.

Từ trước khi thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho xuất khẩu vào năm 2009, VDB Minh Hải đã có dấu hiệu mất an toàn nguồn vốn, DN vay vốn kinh doanh xuất khẩu, nhưng lại sử dụng sai mục đích.

Cuối năm 2009 đầu năm 2010, VDB đã kiểm tra Chi nhánh Minh Hải và phát hiện tổng dư nợ là 1.173 tỷ đồng, nhưng nợ quá hạn lên đến hơn 1.055 tỷ đồng. Sau đó, VDB đã điều chỉnh, nới lỏng hạn mức tín dụng xuất khẩu nhằm hỗ trợ cho các DN xuất khẩu thủy sản. Việc nới lỏng tín dụng này đi kèm với nhiều ràng buộc, điều kiện.

Tuy nhiên, VDB Minh Hải đã không tuân thủ đầy đủ các quy định này. Ví dụ, việc cho vay tiếp chỉ được thực hiện với các DN đang có doanh số xuất khẩu trên 5 triệu USD, cho vay đối với DN đang có nợ quá hạn, nhưng đồng thời với việc thu hồi nợ, giảm dư nợ và yêu cầu khách bổ sung tài sản bảo đảm để tỷ lệ tài sản bảo đảm tăng từ 15% lên 30-100% dư nợ…

Lãnh đạo và cán bộ VDB Minh Hải đã buông lỏng quản lý, dẫn đến DN lập khống báo cáo tài chính để đưa vào hợp đồng khống, giá trị xuất khẩu trên hợp đồng cao hơn thực tế, không kiểm tra việc thu mua nguyên liệu đầu vào để DN lập khống giá trị tiền hàng, không giải ngân vào tài khoản thụ hưởng hoặc nếu có cũng rất ít.

Vụ việc ở VDB Minh Hải không phải là cá biệt. Trong hệ thống VDB đã xảy ra vụ thất thoát nghiêm trọng khác tại huyện Đắc Nông, tỉnh Đắc Lắc. Trong giai đoạn 2008-2010, Giám đốc VDB Đắc Nông đã ký duyệt cho hai DN vay gần 2.000 tỷ đồng, qua đó chiếm đoạt 357 tỷ đồng của chi nhánh này, đồng thời ký khống giấy tờ về dư nợ tại ngân hàng để 3 DN khác chiếm đoạt 580 tỷ đồng của một số ngân hàng khác.

Đáng nói là những dấu hiệu sai phạm, quản lý lỏng lẻo đã lộ diện từ trước, song không được xử lý triệt để, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng sau này. Chẳng hạn như vụ án xảy ra tại VDB Đắc Nông, đối với giám đốc chi nhánh, VDB giao thẩm quyền hạn mức cho vay là 20 tỷ đồng, nhưng lại không quy định mức tối đa đối với một khách hàng. Từ cơ chế đó, giám đốc chi nhánh này đã cho vay nhiều khoản đối với một khách hàng, cộng dồn dư nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn đó, Hội sở chính VDB có kiểm tra và lập biên bản kiểm tra về nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu tại Chi nhánh VDB Đắc Lắc, ghi nhận tình trạng hồ sơ vay vốn của các DN có nhiều vấn đề như: thiếu báo cáo tài chính, tờ trình duyệt vay chưa chuẩn xác, không hợp lý; khách hàng không bảo đảm nguồn vốn tự có tham gia phương án kinh doanh… nhưng vẫn được duyệt vay.

Được biết, trong Kế hoạch thanh tra năm 2016 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng phê duyệt, có việc thanh tra VDB. Cuộc thanh tra này nằm trong kế hoạch thanh tra dự phòng.

Vào năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra VDB và phát hiện nhiều sai phạm trong cho vay tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, khiến nguy cơ mất vốn cao. Các khuyết điểm của VDB trong thẩm định dự án, vi phạm trong thủ tục đầu tư, điều kiện vốn, kiểm tra sau cho vay... dẫn đến dư nợ từ vài nghìn tỷ đồng đến cả chục nghìn tỷ đồng cho mỗi hạng mục. Tính đến 31/12/2010, nợ xấu tại VDB đã lên tới 38.106 tỷ đồng, tương đương hơn 21% tổng dư nợ toàn hệ thống. Trong khi đó, theo báo cáo của VDB, con số này chỉ là 22.664 tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất của VDB cho thấy, đến cuối năm 2013, trong tổng số 255.943 tỷ đồng dư nợ tại VDB, có 5.882 tỷ đồng là nợ quá hạn, nợ đã được khoanh nợ.            

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động của VDB. Theo đó, vốn điều lệ của VDB là 30.000 tỷ đồng. VDB hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%; không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Tin bài liên quan