Lý do chính là, dịch vụ 3G vừa chính thức được cung cấp tại thị trường viễn thông Việt Nam từ tháng 10/2009, các nhà mạng đã đầu tư 2 tỷ USD cho hạ tầng 3G. Bên cạnh đó, người dân cũng phải chi rất nhiều tiền để sắm thiết bị tương thích mà đến nay vẫn chưa dùng hết công suất. Vì vậy, việc chưa cho phép triển khai 4G là để các doanh nghiệp viễn thông kịp thu hồi vốn từ mạng 3G và tránh lãng phí khoản tiền đầu tư thiết bị của người tiêu dùng.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, theo các nghiên cứu, sau năm 2015, thì công nghệ LTE (4G) mới chiếm khoảng 15% thị phần trên thị trường thế giới. “Kinh nghiệm cho thấy, khi tỷ lệ thâm nhập của công nghệ dưới 10%, thì việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ sẽ phải chịu giá thành đắt, thiết bị đầu cuối ít, giá cao. Do vậy, vào thời điểm này, nếu triển khai dịch vụ 4G sẽ không có được lợi thế về quy mô và cũng không phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam”, ông Hoan nói và cho biết thêm, trong cơ cấu vốn đầu tư vào 4G, vốn của nhà mạng chiếm khoảng 50% tổng vốn, số còn lại là của người sử dụng đầu tư mua thiết bị. Vì vậy, nếu triển khai công nghệ 4G, nhà mạng sẽ phải tập trung cho công nghệ mạng mới, trong khi số người dùng còn rất hạn chế. Đó sẽ là một sự lãng phí rất lớn.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia cũng cho rằng, sau năm 2015, Việt Nam mới nên xem xét triển khai cấp phép công nghệ 4G và các thế hệ tiếp theo trên cơ sở đấu giá, thi tuyển là quyết định khôn ngoan và thích hợp ở nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là về thiết bị đầu cuối. Hiện số lượng thuê bao 3G tại Việt Nam mới khoảng 20 triệu người, chiếm 25% tổng số thuê bao di động, trong khi con số này ở Trung Quốc là 45%, Mỹ là 75%... Như vậy, công nghệ 3G tại Việt Nam vẫn chưa khai thác hết công suất.
Vấn đề mà các mạng di động Việt Nam cần làm hiện nay là, khuyến khích, thúc đẩy người dùng 3G để thai thác hết công suất, hiệu quả của 3G. Nhưng như vậy không có nghĩa là không chuẩn bị cho 4G, mà cần có những chiến lược về công nghệ, sản phẩm, phương án kinh doanh, đấu thầu, chuẩn bị thị trường…
Theo ông Nam, ngay từ bây giờ, các nhà mạng cần phải bắt đầu xem xét, chuẩn bị về mặt công nghệ để khi thời điểm thích hợp là có thể triển khai được ngay.
Ông Mike MacDonald, Giám đốc Công nghệ (Công ty Huawei khu vực Đông Nam Á) cho biết, hiện tại, các nhà mạng Việt Nam nên tập trung vào việc giới thiệu, nâng cao nhận thức cho khách hàng để họ biết 4G sẽ mang lại những lợi ích gì, có thể giải quyết các vấn đề gì và khi họ sẵn sàng chấp nhận nó, thì sẽ thuận lợi cho việc triển khai mạng 4G sau này.
Cuối năm 2010, Bộ TT&TT đã cấp 5 giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G cho VNPT, CMC, FPT, VTC và Viettel. Mới đây, Viettel và VNPT cho biết, việc thử nghiệm 4G của họ đã thành công. Theo một lãnh đạo Bộ TT&TT, chính các doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm công nghệ 4G cũng đề nghị chưa tiến hành đấu giá quyền sử dụng giấy phép công nghệ này, mà chờ đến năm 2015, nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả.