Hà Nội dự toán thu ngân sách 141.690 tỷ đồng, chi ngân sách 59.072 tỷ đồng trong năm 2015
Là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, 2015 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn, đặc biệt là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, vì vậy đây là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của UBND Thành phố, chỉ tiêu nhóm kinh tế tổng hợp như sau: tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9,0 - 9,5%, trong đó dịch vụ 9,8 - 10,5%; Công nghiệp 8,1 - 8,4%; Xây dựng 10,4 - 10,6%; Nông lâm thủy sản 2 - 2,5 %. GRDP bình quân đầu người 75 - 77 triệu đồng, vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 11 - 12%; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8 - 9%; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 141.690 tỷ đồng, chi ngân sách 59.072 tỷ đồng.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn của Thủ đô thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kể hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố Hà Nội năm 2015, UBND Thành phố Hà Nội đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công an TP và UBND quận, huyện, thị xã thực hiện các chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan Trung ương trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng theo chỉ đạo của Trung ương. Chủ động thực hiện các giải pháp thanh tra, kiểm tra, quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, khơi thông nguồn vốn, nâng cao chât lượng tín dụng, găn với thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tô chức tín dụng.
Bên cạnh đó, sở tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2014 chủ yếu để ưu tiên trả nợ của các cấp ngân sách, chi đầu tư phát triển và thực hiện một số khoản chi theo quy định của Luật Ngân sách. Nghiên cứu phương án cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và trả nợ trong xây dựng kế hoạch tài chính và ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020.
Hà Nội cũng tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu của kinh tế. Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở ban ngành và UBND tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước, giảm dần tỷ trọng hàng gia công lắp ráp.
Thực hiện tích cực đề án phát triển công nghiệp đã phê duyệt. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiêp, làng nghề. Tháo gỡ khó khăn về giá thuê đất tạo điều kiện phát triển công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình điện đảm bảo điện cho sản xuất và tiêu dùng. Thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất chủ trì, phổi hợp với các Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới và thu hút, kêu gọi đầu tư tại các khu công nghiệp.
Cùng với đó việc thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực cũng rất quan trọng. Xây dựng kế hoạch KT-XH 5 năm 2016-2020 phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển đã được duyệt; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 theo đúng định hướng phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 và quy định tại Luật Đầu tư công.