Năm 2014, VSD sẽ mang điều gì mới đến thị trường, thưa bà?
Chúng tôi đang tập trung xây dựng 2 đề án quan trọng liên quan đến TTCK: Đề án về hệ thống giao dịch hoán đổi và hệ thống vay - cho vay chứng khoán và Đề án triển khai mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP). Những việc làm này là tiền đề cho việc phát triển sản phẩm ETF tại Việt Nam và xây dựng thị trường phái sinh tại Việt Nam.
Nói một cách đơn giản nhất về mục đích đặt ra khi VSD xây dựng Đề án vay và cho vay chứng khoán tại Việt Nam là gì, thưa bà? Nhà đầu tư trên thị trường có được vay và cho vay mua chứng khoán không?
VSD sẽ đứng ra tổ chức một hệ thống trung gian, kết nối các nhu cầu vay và cho vay trên thị trường để nghiệp vụ này được thực hiện một cách lành mạnh, có quản lý và theo đúng định hướng phát triển chung của ngành.
Đối tượng được vay chứng khoán chỉ giới hạn ở các tổ chức là các thành viên lập quỹ (các AP) của loại hình sản phẩm mới ETF và các thành viên lưu ký là công ty chứng khoán khi cần chứng khoán để thực hiện sửa lỗi giao dịch.
Đối với nhà đầu tư đại chúng khác, khi nào quy định pháp luật cho phép nhà đầu tư được quyền bán khống chứng khoán, chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng được vay chứng khoán đến nhà đầu tư.
Đối tượng cho vay là các tổ chức và cá nhân có nhu cầu cho vay chứng khoán. Hiện hệ thống này đã được hoàn tất về cơ bản, đang chạy thử, dự kiến quý I/2014 sẽ có thể vận hành.
Ngoài hai yếu tố mới trên, với khối các tổ chức tài chính trung gian, năm 2014, VSD có sản phẩm gì mới với họ, thưa bà?
Ngoài việc tạo hạ tầng thị trường để các CTCK tham gia các sản phẩm mới như ETF, chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng cổng giao tiếp trực tuyến để tạo hạ tầng giúp hệ thống các thành viên lưu ký (công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký) kết nối trực tuyến với hệ thống nghiệp vụ của VSD. Khi kết nối giao tiếp trực tuyến với VSD, các giao dịch giữa VSD và thành viên khi thực hiện sẽ được đồng thời ghi nhận tại hai bên, các bên sẽ giảm được rất nhiều thời gian, nhân lực và nâng cao hiệu quả xử lý nghiệp vụ của các bên.
Với khối công ty quản lý quỹ, năm 2014, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho chứng chỉ quỹ mở. Hiện tại, VSD đang làm đại lý chuyển nhượng cho quỹ mở VF1, VF4… và sắp tới sẽ là một số quỹ mở khác.
Theo quy định pháp lý, không riêng VSD mà các ngân hàng lưu ký được phép thực hiện dịch vụ này, nên chúng tôi cũng phải “cạnh tranh” bằng cách làm tốt hơn các dịch vụ cung cấp cho công ty quản lý quỹ.
Với các DN niêm yết, công ty đại chúng đang lưu ký đăng ký chứng khoán, năm 2014, VSD mang đến điều gì mới?
Ngoài việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng bắt buộc và dịch vụ gia tăng cho các thành viên lưu ký tại VSD, năm 2014, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục nghiệp vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Cùng với đó, chúng tôi dự kiến nghiên cứu hình thức bỏ phiếu điện tử, với mong muốn mở ra một cơ chế mới cho phép nhà đầu tư không cần đến dự Đại hội đồng cổ đông của DN, vẫn thực hiện quyền bỏ phiếu của mình hoặc ủy quyền cho VSD thực hiện quyền của nhà đầu tư.
Cách làm này sẽ tiết kiệm được chi phí cho cả nhà đầu tư và DN, đồng thời giúp các DN giải quyết được mối lo có quá ít nhà đầu tư đến dự Đại hội như một số năm vừa qua.
VSD đo sự hài lòng của khách hàng bằng cách nào, thưa bà?
Hai năm gần đây, chúng tôi thực hiện việc gửi phiếu đánh giá luân phiên đến các thành viên, các tổ chức phát hành, các khách hàng của mình để nhờ họ “đo lường” chất lượng dịch vụ, thái độ nhân viên và góp ý cho VSD. Các năm trước đó, VSD tổ chức hội thảo, gặp mặt trực tiếp từng khối DN, khách hàng để được lắng nghe ý kiến.
Dù vẫn còn một số điểm thành viên chưa hài lòng, còn những thành viên chấm cho VSD điểm 6, điểm 7, nhưng nhìn chung, các thành viên, DN đều thấu hiểu và đánh giá tương đối tốt về việc cung cấp dịch vụ của VSD.
Năm 2013, theo phiếu đánh giá mà chúng tôi vừa tổng hợp được, số điểm trung bình của các tổ chức phát hành chấm cho VSD là 8,7/10 điểm; số điểm trung bình khối thành viên lưu ký (công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký) chấm cho VSD là trên 8 điểm. Đó là niềm vui đối với chúng tôi, nhưng cũng cho thấy các mặt chưa làm tốt, cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Chúng tôi luôn trân trọng và lắng nghe những góp ý của các thành viên, tổ chức phát hành, nhà đầu tư để có sự điều chỉnh phù hợp, nhằm thực hiện tốt vai trò của một tổ chức cung cấp các dịch vụ sau giao dịch tại Việt Nam.