Ông Nguyễn Quốc Hùng

Ông Nguyễn Quốc Hùng

Năm 2014, VAMC mới tiến hành bán nợ

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), khi trao đổi với ĐTCK xung quanh việc xử lý nợ xấu của các TCTD.

Được biết, thời gian vừa qua, VAMC đã thu hồi được một số khoản nợ xấu. Thực hư chuyện này thế nào, thưa ông?

Đúng là như vậy. Mặc dù trong các khoản nợ VAMC mua về thời gian qua, số nợ thu hồi không phải là nhiều, nhưng điều đó cũng cho thấy, những khoản nợ bán cho VAMC không phải là nợ tồn đọng hoàn toàn mà có sự luân chuyển nhất định.

Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nền kinh tế đang ấm dần lên, DN cũng đang trên đà hồi phục.

 

Có ý kiến cho rằng, VAMC “quá khôn” khi chỉ chọn những “món nợ ngon”?

Không phải là quá khôn, mà VAMC chỉ căn cứ vào những tiêu chí trong Nghị định 53 và Thông tư 19 khi tiến hành mua nợ. Theo đó, khoản nợ chỉ mua với những khách hàng còn tồn tại, có tài sản đảm bảo (có thể không hẳn là 100%, nhưng được xem xét trong một phạm vi nhất định).

Đối với những khoản nợ không đáp ứng yêu cầu trên, TCTD phải tự xử lý. Trong trường hợp không xử lý được, TCTD sẽ phải sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý.

 

Với những chuyển biến tích cực như vậy, theo ông, VAMC có tự tin là sẽ xử lý tốt nợ xấu?

Cùng với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất của VAMC, hiện tại, bản thân các TCTD cũng đã nhận thức được vấn đề và xây dựng lộ trình tái cấu trúc lại chính mình.

Đầu tiên là đánh giá chất lượng tài sản, cụ thể là những khoản nợ mà họ buộc phải xử lý bằng mọi biện pháp, có thể là khởi kiện, phát mãi tài sản… Những khoản nợ tồn đọng không thể giải quyết ngay được vì yếu tố khách quan như bất động sản, thì VAMC sẽ đứng ra tạm xử lý. Với sự phối hợp nhịp nhàng như vậy, VAMC rất tự tin trong việc xử lý nợ xấu.

 

Vậy đến cuối năm, chắc chắn VAMC sẽ hoàn thành kế hoạch đặt ra là mua 35.000 tỷ đồng nợ xấu?

Nếu như chỉ để hoàn thành chỉ tiêu đề ra thì ngay trong tháng này VAMC cũng sẽ làm được. Tuy nhiên, như trên tôi đã nói, VAMC chỉ tiến hành mua những khoản nợ đủ điều kiện, nên khả năng có thể đạt được 30.000 - 35.000 tỷ đồng.

 

Còn kế hoạch bán nợ ra sao, thưa ông?

Nợ xấu trước hết phải mua về, sau đó phân loại để bán. Cụ thể, phân loại khoản nợ nào tái cấu trúc được thì tái cấu trúc, khoản nào không tái cấu trúc được thì xử lý ngay.

Hiện tại, VAMC đã thành lập bộ phận rà soát và tiến hành phân loại nợ, nhưng không thể cùng lúc làm tất cả mọi việc, nên ít nhất phải sang năm 2014, VAMC mới tiến hành bán nợ. Tuy nhiên, những khoản nợ bán mà có lợi cho DN, VAMC có thể tiến hành bán ngay.

Hiện cũng có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước có ý định tham gia mua lại nợ xấu của VAMC. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản về pháp lý cần phải tháo gỡ như vấn đề sở hữu tài sản, đặc biệt là tài sản là bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài hay vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN... trước khi bán nợ.

 

Hiện VAMC mới chỉ mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và với biện pháp này thì các TCTD vẫn phải ràng buộc với các khoản nợ xấu, trong khi trên thực tế nhiều TCTD chỉ muốn “bán đứt” các món nợ này. Vậy khi nào VAMC tiến hành mua đứt nợ xấu theo giá trị thị trường?

VAMC đang xây dựng phương án mua nợ theo giá thị trường, nhưng cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Đầu tiên là nguồn vốn để mua nợ. VAMC có thể kêu gọi vốn đầu tư và cũng đã có nhiều tổ chức đặt vấn đề cho VAMC vay vốn, nhưng lại nảy sinh vấn đề thời hạn vay, lãi suất, rồi các căn cứ pháp lý… Tất cả những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến việc mua - bán nợ của VAMC.

Có thể nói, đây là quá trình gồm nhiều công đoạn, cần phải lên phương án cụ thể và đồng bộ với các quy định của pháp luật, chứ không thể nói mua là mua, nói bán là bán ngay. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch năm 2014 sẽ tiến hành mua nợ theo giá trị thị trường.

 

Có ý kiến cho rằng, nên bỏ tư duy xử lý nợ xấu không dùng ngân sách nhà nước. Đánh giá của ông về việc này như nào?

Đúng là phải có nguồn tiền để xử lý nợ xấu, hay nói cách khác không có chuyện xử lý nợ xấu mà không mất tiền. Vấn đề là nguồn tiền đó lấy ở đâu?!

Với cơ chế hiện nay, TCTD dù đã bán nợ xấu cho VAMC nhưng vẫn phải trích 20% dự phòng rủi ro hàng năm. Sau 5 năm mà VAMC không xử lý được khoản nợ này thì TCTD sẽ phải xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro đã trích. Như vậy, TCTD sẽ mất tiền chứ không có chuyện xử lý nợ xấu mà không mất tiền.

Cũng có ý kiến lo ngại rằng, các TCTD sẽ nâng lãi suất lên để bù đắp cho những khoản tiền đã mất và đẩy phần chi phí này cho khách hàng phải gánh. Tuy nhiên, không nên lo ngại điều này, bởi với cơ chế thị trường hiện nay, việc đẩy lãi suất lên cao cũng đồng nghĩa với việc đánh mất khách hàng, chỉ những TCTD quản trị tốt, nợ xấu thấp, đầu vào tốt, cho vay thấp mới thu hút được khách hàng.

Còn việc nên dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu cũng là một ý, nhưng nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp, tôi cho rằng, xử lý nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt như hiện nay là phù hợp.

 

Còn những phàn nàn về việc xử lý nợ xấu vẫn chậm?

Tôi nghĩ rằng, VAMC ra đời sớm trước đây khoảng 2 năm chắc chắn mọi chuyện sẽ khác. Muộn như vậy nên VAMC càng phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, để xử lý nợ xấu, không chỉ cần sự nỗ lực của VAMC hay các TCTD, mà cần có sự đồng thuận của các cấp, các ngành trong việc phối hợp với NHNN để xử lý nợ xấu. Đặc biệt là sau khi đã xử lý được nợ xấu, đừng để nợ xấu phát sinh, nếu có phát sinh cũng phải trong tầm kiểm soát.

>>“Mua nợ xấu, VAMC không ép ai cả”

>>VAMC gom nợ xấu, bán cho ai?

>>VAMC cần trợ giúp