Năm nay, một lượng hàng “khủng” được SCIC dự kiến tung ra thị trường
Nóng ngay từ đầu năm?
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết, thực ra trong năm 2013, quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty được tiến hành khá khẩn trương. Tuy nhiên, do nhiều trường hợp chưa bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), hoặc chưa chốt thời điểm niêm yết trên TTCK, nên thị trường không cảm nhận được “sức nóng” của quá trình CPH. Với lộ trình CPH tiến hành đến thời điểm này, nhiều khả năng “điểm rơi” IPO sẽ diễn ra trong năm 2014.
Thông tin cập nhật về tiến trình CPH của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đến thời điểm này cho thấy, sau nhiều lần lỗi hẹn, nhiều khả năng, Vinatex sẽ được IPO trong quý I/2014. Không biết vô tình hay hữu ý mà Vinatex chọn thời điểm IPO khá khôn ngoan, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy đang gặp khó khăn trong các vòng đàm phán cuối cùng, nhưng đang có triển vọng cán đích. Trong khi đó, theo nhìn nhận của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), một khi Việt Nam thành công trong gia nhập TPP và khi Hiệp định này có hiệu lực, thì dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất, ước sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD vào năm 2020 và 55 tỷ USD vào năm 2030. Điều này giải thích tại sao NĐT, nhất là NĐT nước ngoài quan tâm tới tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các DN ngành dệt may.
Công ty mẹ, Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) cũng là “ông lớn” lỗi hẹn CPH năm 2013. Vinamotor đang bị Bộ Giao thông Vận tải thúc ép sớm kết thúc CPH ngay đầu năm 2014 để IPO.
Một DN khác cũng đang thu hút sự quan tâm lớn của thị trường, nhất là NĐT nước ngoài là Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Theo thông tin từ nhà tư vấn, họ đang khẩn trương tiến hành các bước tư vấn IPO cho DN này, để có thể sớm công bố thời điểm IPO ra thị trường.
Một “đại gia” đang cận kề niêm yết là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mã chứng khoán là BID. Đại diện BIDV cho biết, BIDV đang hoàn tất nốt thủ tục niêm yết. Sau khi được HOSE chấp thuận niêm yết, BIDV có 90 ngày để chốt thời điểm niêm yết cụ thể.
Ngoài nguồn hàng IPO, trong năm nay, một lượng hàng “khủng” khác cũng sẽ được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến tung ra thị trường, bởi theo Đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015, chỉ trong năm nay và năm tới, số lượng DN mà SCIC sẽ thoái vốn lên tới 376 DN, trong đó có nhiều cổ phiếu thu hút sự quan tâm của NĐT trong và ngoài nước như: BVH, FPT, BMP, PPC… Nếu TTCK khởi sắc trong năm 2014, nhiều khả năng SCIC sẽ tranh thủ “ra hàng” sớm, để tối đa hóa lợi nhuận.
Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, để đốc thúc quá trình tái cơ cấu DNNN, trong đó có CPH, góp phần tạo thêm nguồn hàng mới có chất lượng cho TTCK, dự kiến trong quý I/2014, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị đánh giá quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN, đồng thời triển khai các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu trong giai đoạn tới. Một số quyết sách mới theo kế hoạch sẽ được triển khai, qua đó sẽ tạo bước chuyển mới trong tái cơ cấu DNNN ngay trong năm 2014.
Hai Sở rốt ráo vào guồng
Trao đổi với ĐTCK, bà Trần Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE, cho biết, Sở đang tập trung xem xét, giải quyết hồ sơ niêm yết đối với các DN đã nộp trong năm 2013 và có kế hoạch niêm yết trong năm nay. Cụ thể, BIDV đã nộp hồ sơ từ năm 2012, sau vài lần trì hoãn, hiện BIDV và HOSE đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng, để đưa cổ phiếu vào niêm yết trong quý I/2014, sớm nhất có thể trước Tết âm lịch.
Về kế hoạch niêm yết mới trong năm 2014, bà Đào cho biết, Sở không đặt mục tiêu đưa bao nhiêu DN lên niêm yết, mà đặt tiêu chí theo khối lượng cổ phiếu niêm yết. Trong năm 2013, do khối lượng cổ phiếu niêm yết mới giảm nhiều với năm 2012, nên lãnh đạo HOSE cho biết, Sở sẽ lấy khối lượng cổ phiếu 2012 làm căn cứ để đặt mục tiêu cho năm 2014, thay vì năm 2013. Sở kỳ vọng trong năm 2014, khối lượng cổ phiếu niêm yết mới sẽ đạt cao hơn nhiều so với 2013 và tăng một chút so với 2012 (ngoại trừ trường hợp bất thường là GAS).
Lãnh đạo HOSE cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp sẽ sớm đưa các ngân hàng thương mại là DN đại chúng lên niêm yết. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy các DN lớn thuộc các ngành khác mạnh dạn lên sàn. Bên cạnh đó, thông qua các CTCK, Sở sẽ phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện, phổ biến, hướng dẫn thủ tục liên quan đối với các DN có kế hoạch lên sàn và sẽ bắt tay vào thực hiện ngay trong quý I/2014.
Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), trong năm 2014, TTCK được dự báo sẽ khởi sắc hơn, nên sẽ là cơ hội thuận lợi để các DN cân nhắc lên sàn. Thông thường, thời điểm DN nộp hồ sơ niêm yết nhiều nhất là sau tháng 4, sau khi các DN có báo cáo kiểm toán và được ĐHCĐ thông qua. Lãnh đạo HNX kỳ vọng, trong năm 2014 sẽ có thêm 15 DN mới niêm yết trên HNX, nếu thị trường khởi sắc, thì số lượng DN mới niêm yết có thể tăng hơn con số dự kiến này.
>> SCIC lập công ty chứng khoán là hợp lý