Nam 2014, kinh tế thế giới tăng trưởng không như dự kiến

Nam 2014, kinh tế thế giới tăng trưởng không như dự kiến

Năm 2014, kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng khá thấp chỉ 3,4%. Trong bức tranh kinh tế toàn cầu, bên cạnh các điểm sáng như Mỹ, Anh, còn có một số mảng tối, như Liên minh châu Âu (EU), Brazil...

Trong năm 2014, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phải ba lần điều chỉnh giảm dự báo về mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Theo đó, IMF dự báo tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,3% trong năm 2014, thấp hơn 0,1% so với dự báo đưa ra tháng 7/2014 và thấp hơn 0,4% so với dự báo tháng 4/2014. IMF cũng hạ dự báo về nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2015 từ 4% xuống còn 3,8%.

Năm 2014, châu Á vẫn là khu vực sáng nhất trong bức tranh kinh tế thế giới. Cụ thể, kinh tế  khu vực ASEAN chỉ đạt mức tăng trưởng 4-5%, trong đó riêng ba nước là Việt Nam, Philippines và Indonesia có mức tăng trưởng cao hơn hơn, gần 6%.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy vẫn có mức tăng trưởng cao, nhưng tốc độ đã sụt giảm khá mạnh chỉ còn 7,3% năm 2014 và dự báo là 6,6% trong năm 2015 so với mức tăng bình quân 10 năm trước (9% - 10%).

Ấn Độ có mức tăng trưởng 5% kéo dài trong hai năm 2012 - 2013, năm 2014 nhích lên mức 5,4%.

Trong nhóm các nước phát triển, Mỹ và Anh là hai điểm sáng khi được kỳ vọng có sự bứt phá mạnh. Với tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II và quý III lần lượt đạt mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua (4,6% và 5,0%), nền kinh tế Mỹ được nhìn nhận là điểm sáng trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu trong năm 2014.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP quý III/2014 của Mỹ tăng 5% so với quý III/2013, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 3,9% đưa ra trong báo cáo tháng 10/2014 và cao hơn cả mức dự kiến 4,2% của các chuyên gia. Đây là mức tăng cao nhất trong một quý kể từ 11 năm trở lại đây (từ năm 2003).

Kinh tế tăng trưởng nhanh làm cho mức thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ giảm mạnh, tài khóa 2014 chỉ ở mức 483,3 tỷ USD so với đỉnh điểm 1.420 tỷ USD của năm 2009.

IMF dự báo, kinh tế Mỹ có thể tăng 2,2% trong năm 2014 và 3,1% trong năm 2015.

Theo IMF, năm 2014, Anh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 3,2% và năm 2015 đạt 2,7%.

Kinh tế châu Phi năm nay cũng tăng trưởng 4,8%; các nền kinh tế Mỹ La- tinh và Caribbean năm qua đạt mức tăng trưởng bình quân 1,1%. Trong đó, Panama là nước dẫn đầu với mức tăng 7%, tiếp đến là Bolivia, Cộng hòa Dominicana, Nicaragua, Colombia, Mexico và Chile. Trong khi đó, Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ La-tinh, được dự báo chỉ tăng trưởng 0,3%  năm 2014, mức thấp nhất kể từ năm 1998.  

Trong số những mảng tối của kinh tế thế giới năm 2014, trước hết phải kể đến Liên minh châu Âu (EU), với mức tăng trưởng ước 1,1% trong năm nay và sẽ tăng trưởng âm vào năm sau. Trong đó, khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) tăng trưởng âm 0,4% năm 2014.

Kinh tế Nga đã có dấu hiệu suy thoái  từ cuối năm 2014 do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đồng ruble đã mất giá hơn 40% so với đồng USD tính từ đầu năm tới nay, dầu thô chiếm tới 50% nguồn thu ngân sách của Nga lại đang giảm giá thấp kỷ lục dưới 60 USD/thùng, khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải thừa nhận, kinh tế Nga đang gặp khó khăn và có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có mức tăng trưởng là 1,4% năm 2013 và đầu năm 2014, nhưng quý IV lại giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do tác động từ chính sách tăng thuế tiêu thụ.

Các chuyên gia dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2015 vẫn còn nhiều diễn biến không mấy khả quan. Những rủi ro đang tiềm ẩn, nhất là các căng thẳng địa - chính trị tại một số quốc gia, khu vực kinh tế, có xu hướng gia tăng; những rủi ro trên thị trường tài chính vẫn tồn tại, tình trạng nợ công chưa được giải quyết triệt để. Theo dự báo, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ chỉ tăng ở mức 5,2% năm 2015 là do sự giảm nhiệt trong quá trình tăng trưởng “nóng” và thiếu bền vững trong thời kỳ trước, chứ không liên quan đến tiềm năng tăng trưởng tại các quốc gia này.

Theo WB và IMF, kết thúc năm 2014, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 17.500 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người là 52.800 USD/người.

(Theo báo chí nước ngoài)

Tin bài liên quan