Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, gửi tiền ngân hàng được xem là kênh sinh lời an toàn

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, gửi tiền ngân hàng được xem là kênh sinh lời an toàn

Năm 2013, vẫn còn nhiều cơ hội "lướt sóng"

Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội “lướt sóng” trong năm nay. Còn với nhà đầu tư “ăn chắc, mặc bền”, gửi ngân hàng kỳ hạn dài vẫn có lời nhất.

Nên gửi ngân hàng kỳ hạn dài?

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2013 giá vàng thế giới dự báo sẽ có những đợt sóng tăng giảm do sự phục hồi của kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ.

 

Tuy nhiên, mức tăng giảm này chỉ ở trong biên độ nhất định chứ không có sự đột biến do thị trường vàng đang được Ngân hàng Nhà nước từng bước kiểm soát. Thị trường ngoại tệ khá dồi dào nhờ tỉ giá ổn định, lượng kiều hối tăng mạnh trong năm 2012 nên có thể là kênh đầu tư không mang lại nhiều lợi nhuận.

 

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm mới là dịp các nhà đầu tư ngồi tính lại để tiền vào đâu để mang lại lợi nhuận tốt nhất trong năm.

 

Với nhà đầu tư cá nhân nhắm vào ngắn hạn với mục đích đảm bảo an toàn và sinh lợi ổn định nhất thì gửi ngân hàng là hợp lý nhất. Kế đó là đầu tư vào chứng khoán, vàng, ngoại tệ và cuối cùng mới là bất động sản.

 

Nhưng nếu tính cho trung và dài hạn, đứng đầu là bất động sản còn xếp cuối lại là tiền gửi ngân hàng.

 

Chỉ cần phép tính đơn giản nhất: Gửi 100 triệu vào ngân hàng sau 10 năm cũng chỉ lấy ra khoản tiền tương đương 100 triệu (nếu tính trừ cả lạm phát). Trong khi bất động sản, giá trị gia tăng về lâu dài có thể tăng tới vài lần.

 

Về thị trường chứng khoán năm 2013, chắc chắn trong nửa năm đầu chưa thể kỳ vọng sự phục hồi do phụ thuộc sức khỏe các doanh nghiệp niêm yết. Thành viên hội đồng thành viên một công ty tài chính cho rằng, chứng khoán là kênh đầu tư ngắn hạn có hiệu quả nếu biết “bung tiền” đúng thời điểm do nhiều dự báo cho rằng quý III sẽ có những đợt sóng, do khả năng kinh tế tốt lên.

 

Bên cạnh đó, việc gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn dài cũng là kênh đầu tư có tỉ suất sinh lời tốt mà người có tiền có thể lựa chọn trong năm nay, do lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 12 tháng trở lên của nhiều ngân hàng vẫn ở mức 11% - 11,5%.

 

“Nếu so với cổ tức mà nhiều doanh nghiệp niêm yết trả cho cổ đông trong năm 2012 thì mức lãi suất 11% là khá hấp dẫn”- Vị này nói.

 

Bất động sản còn khó

 

Khác với những năm trước, năm 2013 thị trường vàng là kênh đầu tư không được nhiều chuyên gia đánh giá cao.

 

Đồng quan điểm, ông Hiếu cho rằng, năm nay đầu tư vàng rủi ro cao. Đặc biệt trong bối cảnh năm nay Chính phủ cũng như cơ quan chức năng muốn lập lại trật tự trên thị trường này.

 

Giá vàng sẽ được ổn định tương đối trong năm đồng nghĩa những người đầu tư vào vàng với mong muốn ăn xổi, sinh lời nhanh dễ bị thua thiệt. Nhưng nếu đầu tư vào vàng với ý định dùng vàng làm tài sản tiết kiệm, lưu trữ tài sản lâu dài thì đây cũng là thị trường nên quan tâm.

 

“Với thị trường ngoại tệ, nếu không có chính sách đặc biệt, không có phá giá đồng tiền thì năm 2013 thị trường này cũng sẽ tiếp tục bình ổn. Hơn nữa đầu tư vào ngoại tệ không phải kênh sinh lời nhanh trong khi chịu ảnh hưởng rất lớn của sự thay đổi chính sách”- Ông Hiếu nói.

 

Đánh giá theo nhiều khía cạnh khác nhau, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, thị trường bất động sản năm qua lún sâu vào cuộc đua giảm giá, khuyến mãi để giải phóng hàng tồn kho nên năm nay tiếp tục khó khăn.

 

Chỉ khi kinh tế có bước phát triển, lãi suất giảm thêm mới tạo ra được lực cầu trong lĩnh vực này. “Cuối năm nay có thể có làn sóng giảm giá mạnh căn hộ khiến thị trường này phục hồi. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi người đầu tư phải có lượng vốn khá, có sự am hiểu thị trường”- Ông nhận định.

 

“Kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất trong năm nay vẫn là gửi tiền tiết kiệm tại hệ thống ngân hàng. Năm 2013, vẫn tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động, còn nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao trở lại nên bà con gửi tiết kiệm dài hạn sẽ an tâm hơn” - Ông Ánh nói.

 

Không chỉ các tổ chức, năm 2013, các nhà đầu tư cá nhân cũng có cân nhắc, lựa chọn việc bỏ tiền vào lĩnh vực chế biến nông sản, khai thác lọc hóa dầu và sản xuất thiết bị điện tử.

 

Lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn được coi là mảnh đất khá màu mỡ hiện nay do các doanh nghiệp Việt vẫn gần như đứng ngoài “chuỗi cung ứng” thiết bị, linh kiện cho các doanh nghiệp FDI lớn.