Năm 2013: CPI xoay quanh 7%, tín dụng đạt 12%?

Năm 2013: CPI xoay quanh 7%, tín dụng đạt 12%?

(ĐTCK) Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 là 1,06%, nhiều khả năng CPI năm nay được kiểm soát xoay quanh mốc 7%, nên vẫn còn dư địa cho kích thích tăng trưởng ở mức hợp lý.

Năm 2013: CPI xoay quanh 7%, tín dụng đạt 12%? ảnh 1Lĩnh vực giáo dục đóng góp tới 0,54% vào mức tăng CPI 1,06% của tháng 9

 

CPI trong tầm kiểm soát

Tại cuộc họp giao ban về tình hình sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 9/2013, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 24/9, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 9/2013 tăng 1,06% so với tháng trước và tăng 6,83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải mã yếu tố khiến CPI tháng 9 tăng khá cao, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trần Thị Hằng cho biết, vẫn chủ yếu do yếu tố mùa vụ, chứ không có nhân tố đột biến. Do tháng 9 là mùa khai giảng, nên riêng lĩnh vực giáo dục đóng góp tới 0,54% vào mức tăng CPI 1,06%. Nhân tố này được dự báo sẽ còn tác động tới CPI tháng 10/2013, nhưng tỷ lệ không đáng kể, do một số trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng… khai giảng năm học mới.

Tuy giá các mặt hàng thực phẩm có xu hướng tăng lên trong vòng 2 tháng trở lại đây, cộng với nhu cầu tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối năm, nhưng Tổng cục Thống kê dự báo, mục tiêu kiểm soát CPI quanh mức 7%, GDP tăng trưởng 5,2 - 5,3% trong năm nay là khả thi. Tuy CPI những tháng cuối năm có xu hướng tăng cao, nhưng thường chỉ tăng đột biến vào thời điểm Tết Âm lịch, có nghĩa là rơi vào kỳ tính CPI của năm 2014, nên sức ép lên CPI từ nay đến cuối năm không lớn. Dĩ nhiên, điều này chỉ đúng khi các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, nước sinh hoạt… không tăng giá trong 3 tháng còn lại của năm nay.

Sức cầu yếu của nền kinh tế, được các chuyên gia nhìn nhận đang là một trong những nhân tố chính khiến CPI tạm lắng dịu. Tuy nhiên, khi yếu tố này phục hồi, cộng với động thái nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ hiện tại, nếu liên tiếp điều chỉnh giá các mặt hàng điện, xăng dầu, viện phí… trong thời gian tới, thì nguy cơ CPI bùng phát không phải là xa vời.

Theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do năm nay ngân sách được ứng trước cho các bộ, địa phương triển khai các hoạt động kích cầu đầu tư công, nên dự kiến quý IV/2013, nhân tố này sẽ phản ánh vào CPI. Diễn biến này có thể khiến CPI tăng quá mức 7%, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát…

 

Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 12%

Diễn biến CPI luôn là chỉ báo để điều tiết liều lượng điều hành các chính sách tài khóa, tiền tệ. Bởi vậy, với diễn biến CPI tính đến tháng 9 này, các cơ quan quản lý cho rằng, vẫn còn dư địa cho thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng ở mức độ hợp lý, để dần vực dậy sức cầu yếu của nền kinh tế hiện tại.

Một thông điệp khá bất ngờ được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại cuộc họp, là nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 12% đề ra cho năm nay, mặc dù hết tháng 9 mới chỉ đạt 6%. Lý giải về khả năng cán đích kế hoạch tăng trưởng tín dụng, đại diện NHNN cho hay, nhiều năm qua cho thấy, thường quý IV có tốc độ tăng trưởng tín dụng rất cao, thấp nhất là 5%, cá biệt có năm đạt tới 9%. Bản thân hệ thống NHTM cũng như chính quyền các địa phương đang nỗ lực tạo ra các kênh kết nối giữa ngân hàng và DN, nên tốc độ tăng trưởng tín dụng trong thời gian gần đây đang tăng dần.

Câu hỏi đặt ra là chỉ trong vòng 3 tháng, liệu có cách nào để nền kinh tế hấp thụ hết 6% tăng trưởng tín dụng, trong khi 9 tháng trầy trật lắm mới đạt được chỉ tiêu tương tự? Bài học suốt nhiều năm qua cho thấy, việc cưỡng bức nền kinh tế “ăn dồn, ăn ép” tín dụng trong thời gian ngắn, trong khi các nhân tố để hấp thụ hiệu quả lượng vốn đầu tư lớn như năng suất, chất lượng của nền kinh tế chưa được cải thiện, thì sẽ luôn là nhân tố lớn kích CPI tăng mạnh. Trong bối cảnh vĩ mô trong nước và thế giới hiện tại, các giải pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ có thể sẽ chưa gây áp lực cho CPI trong năm nay, nhưng sẽ tăng sức ép cho CPI năm tới.

Do vậy, để tránh tái diễn nguy cơ CPI tăng cao trở lại, tác động tiêu cực đến các nỗ lực ổn định vĩ mô mà Chính phủ đang theo đuổi, có lẽ nỗ lực kiểm soát CPI không nên chỉ dừng lại ở chỉ tiêu đề ra cho năm nay, mà cần dự liệu cho cả năm tới nếu muốn tình hình kinh tế vĩ mô đi vào thế ổn định dài hạn.       

 

Để nghe được tiếng nói sinh động hơn của cộng đồng DN, đồng thời giúp các cơ quan quản lý có những đề xuất, kiến nghị chính sách cụ thể hơn tới Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, trong các cuộc họp giao ban tình kinh tế - xã hội, do Bộ chủ trì thời gian tới, cần cân nhắc mời đại diện các hiệp hội DN tham gia.