Năm 2013, 200.000 tỷ đồng vốn huy động qua TTCK

Năm 2013, 200.000 tỷ đồng vốn huy động qua TTCK

(ĐTCK) Với 200.000 tỷ đồng vốn huy động qua TTCK năm 2013, bằng 25% tổng đầu tư xã hội, cho thấy, TTCK đã thực sự là kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế nước nhà.

Nhưng, huy động vốn chủ yếu từ... trái phiếu chính phủ

Điểm sáng nổi bật trong báo cáo đánh giá năm 2013 của Sở GDCK Hà Nội (HNX) năm nay, là hoạt động của thị trường trái phiếu chính phủ, với khối lượng huy động và thanh khoản đều tăng mạnh. Năm 2013, thông qua kênh đấu thầu trái phiếu tại HNX, Chính phủ đã huy động được trên 180.000 tỷ đồng, là mức huy động cao kỷ lục từ trước đến nay.

Con số này, cộng với 20.000 tỷ đồng vốn do DN huy động được từ cổ phiếu và cổ phần hóa, giúp tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2013 đạt mức cao kỷ lục: 200.000 tỷ đồng.

Năm 2013, 200.000 tỷ đồng vốn huy động qua TTCK ảnh 1

Điều mong đợi nhất với các DN tham gia TTCK là được tiếp cận với một kênh huy động vốn mới, vốn trung và dài hạn để phát triển

Với 10% vốn huy động qua TTCK là do DN thực hiện, 90% là do Chính phủ thực hiện, chức năng huy động vốn trên TTCK có phần nặng về vai Chính phủ và điều này, trong băn khoăn của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, thì liệu có “vô tình” góp phần khiến tạo nên gánh nặng nợ công cho Việt Nam?

Câu hỏi này chắc chắn sẽ không được đặt ra, nếu TTCK vẫn đạt được lượng vốn huy động 200.000 tỷ đồng, nhưng phân bổ đều hơn đến các DN và ở đó, Chính phủ cũng chỉ là một chủ thể chiếm tỷ trọng không quá bán, tham gia huy động vốn trên thị trường.

Nhưng không phải năm 2013, năm 2012, trong số 188.516 tỷ đồng vốn huy động qua TTCK, có tới 160.000 tỷ đồng vốn huy động từ trái phiếu chính phủ. Những năm trước đó, năm 2010, 2011, tuy lượng vốn huy động qua TTCK không tới 100.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng lại chủ yếu là vốn huy động của DN, thị trường trái phiếu chính phủ khi đó chưa trở thành công cụ mạnh của Chính phủ trong huy động vốn.

Năm 2013, 200.000 tỷ đồng vốn huy động qua TTCK ảnh 2

Trước câu hỏi của TS. Vũ Đình Ánh, Chủ tịch HNX, ông Trần Văn Dũng thừa nhận thị trường trái phiếu 2013 tiếp tục ghi nên những kỷ lục mới, đặc biệt là về huy động vốn khi đã giúp Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách, các chính quyền địa phương huy động tổng cộng 190.000 tỷ đồng, trong đó đa phần là huy động cho Kho bạc Nhà nước.

Bình luận về sự tăng nhanh lượng trái phiếu huy động đến câu chuyện nợ công của Việt Nam, ông Dũng nói rằng, có 2 nguồn đầu tư chính trong các nền kinh tế, đó là đầu tư tư nhân và đầu tư công. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhiều DN Việt Nam co hẹp hoạt động, tăng trưởng tín dụng khó khăn - là biểu hiện rõ nhất của đầu tư tư nhân suy giảm,  thì việc huy động vốn để tạo nguồn cho đầu tư công mở rộng đã góp phần giữ vững tổng đầu tư toàn xã hội, là động lực trực tiếp tạo nên sự tăng trưởng kinh tế. “GDP Việt Nam năm 2013 tăng 5,42% và năm 2014, mục tiêu Chính phủ đặt ra là 5,8%, là những con số cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, trong đó có đóng góp không nhỏ từ đầu tư công của Chính phủ”, ông Dũng nói.

Một điểm tích cực khác, theo Chủ tịch HNX, dự thảo Luật Đầu tư công đã được Chính phủ chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, với dự kiến sẽ được xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 7 (năm 2014). Với việc có Luật Đầu tư công, công tác quản lý đầu tư nguồn vốn này sẽ có sự đổi mới, từ đó, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, giúp nguồn vốn này có đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế về dài hạn.

 

Kênh huy động cho các DN ở đâu?

Nếu năm 2012, 2013, TTCK đã thể hiện tốt vai trò là kênh huy động vốn cho Chính phủ, thì cả 2 năm này, lượng vốn huy động của DN qua TTCK lại rất khiêm tốn, với tỷ lệ chỉ khoảng 10%. Năm 2012, trong cuộc họp tổng kết TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đau đáu với việc cần tạo khung pháp lý giúp các DN được quyền huy động vốn dưới mệnh giá, thì cuộc họp cuối năm 2013, nhiệm vụ này đã không thấy được đề cập trong những việc cấp thiết phải làm của nhà quản lý.

Sở dĩ, đó không còn là việc trong phạm vi xử lý của UBCK, vì về lý, muốn DN huy động vốn bằng phát hành dưới mệnh giá cần phải đáp ứng một số điều kiện, nên văn bản điều tiết việc này, nếu có, phải ở tầm Nghị định của Chính phủ, chứ không phải là một bản hướng dẫn của Ủy ban hay một thông tư của Bộ Tài chính.

4 nhiệm vụ quan trọng nhất của UBCK năm 2014 là duy trì sự ổn định, phát triển của TTCK/triển khai công tác phát triển, tái cấu trúc TTCK/xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN và tăng cường hội nhập quốc tế. Với 4 nhiệm vụ này, UBCK đề ra 8 giải pháp, chủ yếu mang tính xây dựng thị trường, sản phẩm mới, kiểm soát sự minh bạch… và chưa có giải pháp nào “chọc” thẳng vào khó khăn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, để hỗ trợ các DN tìm vốn trên TTCK Việt Nam.

Nhưng nhà quản lý hỗ trợ các DN huy động vốn bằng cách nào? TTCK là sản phẩm bậc cao của nền kinh tế thị trường, ở đó, tính thị trường phải được tôn trọng nhất. Nói như ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI thì đôi khi người ta cứ nhầm lẫn về vai trò của nhà quản lý trên TTCK. “Thị trường chứng khoán là “thị trường” chứng khoán, chứ không phải “bao cấp” chứng khoán”, ông Duy Hưng nói. Điều này cũng có nghĩa là kênh huy động vốn của DN còn yếu, nhưng câu trả lời nằm chính ở DN, chứ không phải nhà quản lý hay Chính phủ, trong trường hợp này.

Thực tế, TTCK năm 2013 tiếp tục có sự phân hóa rõ nét về chất lượng hàng hóa trên thị trường. Có những DN bán cổ phiếu với giá 2.000 đồng, không ai mua, nhưng có những DN, nhà đầu tư sẵn sàng mua với giá gấp nhiều lần mệnh giá (PV Drilling, Giống cây trồng Trung ương…).

Vậy điều DN cần nhất ở nhà quản lý TTCK là gì? Khảo sát của ĐTCK với nhiều DN, doanh nhân cho thấy, điều họ cần nhất là có một hành lang pháp lý thông thoáng, đầy đủ thúc đẩy các quan hệ thị trường phát triển. Theo đó, DN yếu, nếu tìm được đối tác góp vốn ở giá 1.000 đồng, mà được các cổ đông chấp thuận, thì vẫn nên cho DN được thực hiện.

DN yếu, nếu có đối tác sẵn sàng mua trái phiếu của DN và chấp nhận rủi ro, cơ chế cần phải tạo điều kiện cho mối quan hệ thị trường này. Ngược lại, DN khỏe, giúp họ tiếp cận với các thị trường vốn lớn, hỗ trợ DN có các cuộc làm việc, tiếp xúc với các nhà đầu tư tài chính toàn cầu, để họ có cơ hội mở rộng quan hệ, gọi thêm vốn và vươn tầm ra khu vực.

DN tham gia TTCK, điều mong đợi nhất là được tiếp cận với một kênh huy động vốn mới, vốn trung và dài hạn để phát triển. Năm 2013, UBCK, các Sở GDCK đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, tổ chức một số sự kiện, giải thưởng để vinh danh các DN, các tổ chức tài chính trung gian tiêu biểu…

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất mà các DN cần trên TTCK là huy động vốn, thì năm 2013 mới đạt kết quả hạn chế. Đây là điểm nhà quản lý cần tiếp tục dành nhiều nỗ lực, nhằm mang lại lợi ích thực sự cho DN, giữ các DN ở lại sàn chứng khoán và phát triển cùng thị trường. 

>>13 năm, TTCK Việt Nam huy động được 1,3 triệu tỷ đồng vốn

>>Huy động vốn qua TTCK chỉ bằng 50% năm ngoái