Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/1, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp lên 103.000 đồng/CP, tăng hơn 400% so với đầu năm. Nhiều chuyên gia kiến nghị, cổ đông nhà nước nên bán bớt cổ phiếu BVH, vừa để giảm độ "nóng" của cổ phiếu này, vừa mang lại thặng dư vốn cho ngân sách nhà nước.
6 phiên tăng trần nói trên nằm trong 14 phiên tăng điểm liên tiếp gần đây của BVH. Đây rõ ràng là một điều bất thường nếu so sánh với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngành bảo hiểm có đặc thù là ổn định, không có lợi nhuận đột biến, hoạt động của Tập đoàn Bảo Việt cũng không phải là ngoại lệ. Giá cổ phiếu này tăng một mạch do được tiếp sức từ cuộc đua của các nhà đầu tư ngoại.
Báo ĐTCK đã tìm hiểu về khả năng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán bớt bán ra cổ phiếu BVH. Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt cho biết, sau khi cổ phần hoá Tập đoàn, các cổ đông lớn cam kết sẽ không bán cổ phần ra ngoài sau 5 năm. Điều này nhằm đảm bảo tính ổn định cơ cấu cổ đông và cam kết gắn bó với sự phát triển của doanh nghiệp trong những năm đầu. Như vậy, tính từ thời điểm cổ phần hoá tháng 7/2007, thì phải đến tháng 7/2012, các cổ đông sáng lập mới có thể thoái vốn. Giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian vừa qua, theo ông Bình, là do điều tiết cung cầu trên thị trường. Bản thân hoạt động của Tập đoàn Bảo Việt vẫn diễn ra bình thường, ổn định.
Trong văn bản giải trình với Sở GDCK TP. HCM (HOSE), Bảo Việt nêu: "Trước diễn biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô và những động thái hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, cùng với xu hướng tăng giá của thị trường, giá cổ phiếu của Tập đoàn đã liên tục tăng mạnh trong những phiên gần đây". Năm 2010, BVH đạt 12.884 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế (LNTT) ước đạt 1.332 tỷ đồng. Năm 2011, BVH dự kiến tổng doanh thu 14.795 tỷ đồng, LNTT 1.510 tỷ đồng.
Trên thực tế, sau khi cổ phần hóa, cổ đông sáng lập của Bảo Việt đã có những thay đổi. Năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) - đối tác chiến lược trong nước duy nhất đã chính thức thoái vốn và xin rút khỏi HĐQT, thay vào đó là SCIC. Để trở thành cổ đông chiến lược trong nước duy nhất của Bảo Việt, Vinashin đã bỏ ra 1.467 tỷ đồng (hơn 90 triệu USD thời điểm đó) để sở hữu 3,56% vốn điều lệ của BVH. Mức giá mà Vinashin mua cổ phần của Bảo Việt là mức giá đấu thành công bình quân thực tế 71.918 đồng/cổ phần.
Cuối năm 2009, Bộ Tài chính cũng đã đồng ý để cổ đông sáng lập HSBC nâng tỷ lệ sở hữu từ 10% lên 18% thông qua hình thức phát hành thêm cổ phần. Hiện cổ đông này đang mong muốn góp thêm vốn để nâng tỷ lệ sở hữu lên 25% nhưng phải được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, việc có thoái vốn tại Bảo Việt hay không phụ thuộc vào việc xét xem đó có phải là khoản đầu tư dài hạn hay không. Nếu là dài hạn thì việc biến động giá cổ phiếu lên hay xuống không thành vấn đề, nếu là ngắn hạn thì đây là cơ hội để bán cổ phiếu với giá tốt để thu hồi vốn. Ông Lai cho biết, đối với doanh nghiệp đã niêm yết, việc thoái vốn diễn ra nhanh hơn do đã có giá tham chiếu là giá giao dịch trên thị trường. Thông thường, để hoàn thành các thủ tục và bán được cổ phiếu sẽ mất gần 1 tháng.
Nếu xét trong lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ cổ phần thì bảo hiểm không thuộc ngành nghề đặc thù và SCIC hoàn toàn có thể bán hết. Tuy nhiên, do là cổ đông chiến lược đã cam kết giữ ít nhất 5 năm, nên ít nhất đến năm 2012, SCIC và các cổ đông khác mới có thể bán cổ phần ra bên ngoài. Như vậy, trong lúc giá cổ phiếu BVH tăng mạnh, việc bán bớt cổ phiếu của cổ đông nhà nước nhằm thu thặng dư vốn và giảm sức nóng của giá cổ phiếu là chưa thực hiện được.
Nhiều NĐT cho rằng, giá BVH tăng liên tục thời gian gần đây có bàn tay của các quỹ đầu tư chỉ số nước ngoài. Do đó, cần quan điểm chính thức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về các vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động của các quỹ này. Bên cạnh đó là yêu cầu minh bạch thông tin hoạt động của các quỹ nhằm hạn chế những rủi ro mà NĐT trong nước có thể gặp phải.