Năm 2012, các CTCK vẫn gặp khó

Năm 2012, các CTCK vẫn gặp khó

TTCK vài tuần trở lại đây đã gặp những trở ngại đầu tiên của năm 2012 với một loạt phiên sụt giảm mạnh. Dường như đây là điều mà các CTCK đã dự liệu khi đề ra kế hoạch kinh doanh 2012 khá thận trọng.

Trải qua một năm 2011 đầy thử thách với cả nền kinh tế lẫn thị trường chứng khoán, công ty chứng khoán là một trong những thành phần thấm thía nhất về sự mất mát. Những thành quả sau nhiều năm tích góp gần như mất trắng, kế hoạch kinh doanh đầy lạc quan sau năm 2010 bị phá sản hoàn toàn. Và chuyện công ty chứng khoán kinh doanh lỗ, bỏ nghiệp vụ môi giới chứng khoán, mất thanh khoản trở thành chuyện bình thường.

Tính đến thời điểm này, hàng chục công ty chứng khoán đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2012 để thông qua kế hoạch kinh doanh của năm. Thấm thía những bài học xương máu, lãnh đạo các công ty chứng khoán đã rất thận trọng đề ra chiến lược kinh doanh cho năm 2012. Hầu hết các công ty đều cho rằng kinh tế vĩ mô năm 2012 có nhiều tiến triển và thị trường chứng khoán cũng sẽ tích cực hơn, nhưng khó có thể tăng trưởng mạnh và vững chắc.

Nhìn chung, các công ty chứng khoán đều tự tin sẽ có lãi trong năm 2012 nhưng hầu hết lại đặt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận khá thấp so với kế hoạch năm 2011. Điển hình như “đại gia” SSI chỉ dám đưa ra con số 705 tỷ đồng doanh thu và 480 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thấp hơn nhiều so với kế hoạch năm 2011 là 1,195 tỷ đồng doanh thu và 525.5 tỷ đồng lợi nhuận.

Hay như HCM, công ty chứng khoán được xem là thành công vang dội trong năm 2011 ở hầu hết các hoạt động từ môi giới, đến tư vấn doanh nghiệp với lợi nhuận ròng đạt 194 tỷ đồng, thậm chí cao hơn kết quả đạt được năm 2010, cũng chỉ đề ra kế hoạch doanh thu 456 tỷ đồng cùng 288 tỷ đồng và 230.57 tỷ đồng lợi nhuận trước và sau thuế.

BVS sau hai năm thua lỗ liên tục 2010 và năm 2011 với trên 190 tỷ đồng, cùng với mức lỗ khủng năm 2009 là 452 tỷ đồng, HĐQT đã “dè dặt” đưa ra con số 154 tỷ đồng doanh thu và 14.6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

VND lạc quan hơn khi đưa ra kế hoạch doanh thu 224.3 tỷ đồng, tăng 185% so với thực hiện 2011, và lợi nhuận trước dự phòng đạt 152.5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn dự kiến trả cổ tức 10% nếu hoàn thành kế hoạch.

Với KLS, HĐQT chỉ đưa ra định hướng hoạt động trong năm 2012 theo từng mảng như hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, kiểm soát nội bộ... Tuyệt nhiên không có một con số cụ thể nào về chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Vài công ty chứng khoán nhỏ cũng chỉ đưa ra mức lãi dự kiến cho năm 2012 từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng như AVS 24.86 tỷ đồng, VDS 38.3 tỷ đồng, HBS 3.75 tỷ đồng, HPC 25 tỷ đồng, PSI 3.4 tỷ đồng, hay như PHS đặt chỉ tiêu lãi trước thuế vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Riêng TAS đưa ra hai phương án kế hoạch, nếu thị trường tăng trưởng tốt thì công ty có thể đạt 1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trường hợp xấu có thể lỗ 10 tỷ đồng.

 

Tại một vài ĐHCĐ của công ty chứng khoán, nhiều cổ đông còn chê HĐQT công ty quá thận trọng, không biết tận dụng cơ hội để gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường trong tháng 5 cho thấy, sự thận trọng của các công ty chứng khoán không phải không có căn cứ.

Đặc biệt khi báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2012 của nhiều công ty chứng khoán cho thấy không có nhiều đột biến, thậm chí có nhiều công ty báo lỗ như SBS lỗ gần 660 tỷ đồng, VIG xấp xỉ 85.75 tỷ đồng hay PHS tiếp tục lỗ thêm 14 tỷ đồng. Phần lớn các công ty được hưởng lợi từ hoàn nhập dự phòng, trong khi lãi chính hoạt động cho vay (margin) lại không được như mọi năm bởi quy định khống chế tỷ lệ vay ở mức thấp và lãi suất cho vay cũng không cao.

Như vậy, kể từ quý 2 trở đi, nếu diễn biến thị trường tiếp tục lình xình, thì nguồn thu từ hoàn nhập sẽ không còn, doanh thu từ các mảng khác cũng không đáng kể khó giúp công ty đạt lợi nhuận đột biến, hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Không tin có thể đạt lợi nhuận đột biến trong năm 2012, do đó vấn đề cổ tức cũng được nhiều công ty chứng khoán bỏ ngỏ, không đề cập hoặc xin ý kiến cổ đông được giữ lại lợi nhuận nếu có để phục vụ kinh doanh các năm tiếp theo.

Trong chiến lược hoạt động năm 2012, hầu hết công ty chứng khoán đều định hướng đẩy mạnh mảng môi giới và kinh doanh nguồn vốn (margin) đồng thời giảm tỷ trọng các hoạt động tự doanh xuống mức vừa phải nhằm giảm thiểu rủi ro. Một số công ty còn thông qua kế hoạch tăng vốn như ORS, VND… để lấy tiền cho nhà đầu tư vay mua chứng khoán.

VND cho biết, năm 2012, công ty mục tiêu tăng doanh thu từ sản phẩm dịch vụ tài chính và tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm trên mỗi khách hàng, hạn chế việc sử dụng vốn vay ngân hàng, cơ cấu tiền gửi hợp lý, đưa ra mức lãi suất ứng trước tiền bán, bảo lãnh tiền mua phù hợp và cạnh tranh để đảm bảo thu được lãi suất tốt đồng thời không bị rủi ro về thanh khoản và đạt được mục tiêu lợi nhuận 142 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ví như thị trường cứ ảm đạm trong thời gian dài, những công ty nhỏ dù đẩy mạnh như thế nào thì lợi nhuận cũng chẳng đáng là bao khi mà thị phần môi giới vẫn nằm trong tay các ông lớn.

Với những ông lớn như SSI thì chiến lược đầu tư không đơn thuần là mua đi bán lại như trước mà sẽ đầu tư lâu dài, đồng thời tham gia quản trị ở các công ty này.

Tính đến thời điểm này trong số 26 công ty chứng khoán đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán, chỉ còn SBS, APS và SME chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên để thông qua các kế hoạch hoạt động cho năm 2012. SBS có kế hoạch họp Đại hội từ tháng 2 nhưng đã liên tục dời ngày, đến nay là lần thứ 3. Mới đây, SBS thông báo sẽ tổ chức Đại hội vào tháng 6 do chưa chuẩn bị kịp về tài liệu. Trong khi đó, APS vẫn im hơi lặng tiếng sau khi chốt danh sách cổ đông từ tháng 4 đến nay.

SME giờ đây chỉ còn cái tên và cổ phiếu đang giao dịch dưới dạng kiểm soát tại sàn HNX, thực chất mọi hoạt động đều đã tạm ngừng. Tư cách thành viên của SME tại HNX đã bị bãi miễn từ tháng 4, chi nhánh TPHCM cũng như website của công ty này đã ngừng hoạt động từ lâu, do đó việc tổ chức ĐHCĐ hay không vẫn là chuyện chưa ai biết được.